Ứng phó bão số 1: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là 

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 diễn ra sáng 17/7, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Dù Ban Chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 1. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền, cố gắng không có thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Cảnh báo cụ thể, chi tiết các điểm có nguy cơ ảnh hưởng nặng 

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, tại cuộc họp bàn về công tác ứng phó với bão số 1 của Tổng cục Khí tượng thủy văn ngày 17/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao việc Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉ đạo hệ thống dự báo tăng cường dự báo tác động hướng đến tiếp cận các địa phương thông qua việc tập hợp các khu vực được xác định có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét.

Thứ trưởng Lê Công Thành đặc biệt lưu ý cập nhật những địa điểm mới phát sinh trong thực tế ở cấp tỉnh như: các công trình xây dựng trọng điểm, đánh giá những công trình đang xây dựng có nguy cơ cao; những khu vực sông suối có khả năng gây ra điểm nghẽn dòng , lũ quét,... Hệ thống dự báo phải cập nhật bản tin cảnh báo, dự báo chi tiết hơn.Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, công nghệ, quyết tâm cao nhất để theo dõi, dự báo bão số 1, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân

Sơ tán tàu thuyền, du khách và người dân vào nơi an toàn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, tính đến 19 giờ ngày 17/7, các địa phương bị ảnh hưởng đã chủ động các phương án để ứng phó với bão.

Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương di chuyển người, các phương tiện về nơi an toàn, cấm các hoạt động trên biển và triển khai đồng bộ các biện pháp để sẵn sàng phòng, chống bão. Các địa phương ven biển thành phố đang khẩn trương rà soát các hoạt động trên biển, tổ chức hướng dẫn các phương tiện cùng con người về nơi tránh bão an toàn. Dự kiến đến 21 giờ ngày 17/7, Hải Phòng sẽ cấm biển và sơ tán gần 9.000 người dân khu vực xung yếu trước 12 giờ ngày 18/7.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tỉnh dự kiến cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7 đến khi có tin bão cuối cùng. Tỉnh kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17/7; dự kiến sẽ sơ tán tán toàn bộ 1.228 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, lao động trên các lồng bè vào trong đê, tổ chức sơ tán dân theo các phương án đã xây dựng đối với các tình huống thiên tai trên địa bàn.

Chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ ngày 17/7.

Để ứng phó với bão số 1, Đồn biên phòng Cửa Đại, thành phố Hội An (Quảng Nam) thông qua phương tiện thông tin trực canh ven bờ, thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá và gia đình các chủ tàu, đã liên tục thông báo về diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 1; đồng thời kêu gọi, hướng dẫn cho 127 phương tiện, với 755 lao động của tỉnh đang hoạt động trên vùng biển các tỉnh phía Bắc, bị ảnh hưởng của bão số 1 vào nơi tránh trú an toàn. Đến trưa 17/7, toàn bộ 127 tàu thuyền đã vào bờ để tránh bão số 1 và được chính quyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định bố trí chỗ neo đậu an toàn.

Lên kịch bản đối phó với mưa lớn 

Nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại, các tỉnh mền núi, trong đó có tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố Lạng Sơn đã và đang chỉ đạo việc chủ động sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

 Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, trong thời gian ảnh hưởng bởi mưa bão, người tham gia giao thông cần chú ý tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ trên đường. Cùng đó, khi di chuyển, người dân cần chấp hành các quy định về an toàn giao thông, quan sát biển báo, dừng xe đúng nơi quy định, hạn chế đỗ dừng tránh trú mưa bão ở nơi khó quan sát, gầm cầu vượt nhằm tránh tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Hỗ trợ thuyền viên bị nạn và người dân bị sập nhà do dông, lốc 

Chú thích ảnh
Sơ đồ đường đi của cơn bão số 1. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Cà Mau xảy ra mưa, dông trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Tính đến 9 giờ ngày 17/7, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa lớn kèm dông lốc làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, tốc mái 15 căn tại huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thành phố Vị Thanh và thị xã Long Mỹ; ước thiệt hại 262 triệu đồng.

Tại Cà Mau dông, lốc đã làm sập và tốc mái 34 căn nhà của người dân tại các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh; ước tổng thiệt hại trên 400 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, huyện U Minh bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Mưa lớn kéo dài liên tục trong 2 ngày qua đã kéo theo sóng lớn đánh tràn vào bờ kè khu vực chợ Khánh Hội, gây ngập nặng cho khu vực này. Ngày 17/7, hai tàu cá của ngư dân xã Khánh Hội đã bị chìm trên biển do sóng to, gió lớn. Tại thời điểm bị chìm, trên tàu có 6 thuyền viên. Rất may, tàu cá mang số hiệu CM 95223-TS do ông Quách Văn Điểm (ngụ ấp 2, xã Khánh Hội, huyện U Minh) làm thuyền trưởng, đang hoạt động gần đó phát hiện kịp thời nên đã nhanh chóng ứng cứu.

Chú thích ảnh
Căn nhà người dân ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long bị thiệt hại do dông, lốc. Ảnh: TTXVN phát.

Ngay sau khi xảy ra dông lốc, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương xác định, đánh giá mức độ thiệt hại, khảo sát khu vực bị ảnh hưởng; lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng và huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. UBND các địa phương cũng chủ động chỉ đạo lực lượng xung kích xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Thắng Trung (TTXVN)
Ứng phó bão số 1: Hải Dương tiêu thoát nước sớm, chủ động phòng úng khi mưa lớn 
Ứng phó bão số 1: Hải Dương tiêu thoát nước sớm, chủ động phòng úng khi mưa lớn 

Hải Dương đang tích cực triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với bão số 1, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN