Ngân hàng bảo đảm có đủ tiền mặt cuối năm

Tết Quý Tỵ 2013 tới gần là dịp mà nhu cầu chi tiêu tiền mặt của các doanh nghiệp (DN) và cá nhân sẽ tăng do DN phải chi lương, thưởng cuối năm, thanh toán công nợ. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) khẳng định: Ngân hàng Trung ương đã tính toán các phương án cung ứng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Sẽ đáp ứng đủ cho mọi tình huống


Theo tìm hiểu của phóng viên Tin tức, chiều 16/1 tại nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng ở Hà Nội chưa diễn ra các giao dịch rút tiền của DN cho dịp Tết. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) trên phố Ngọc Khánh cho biết: Ngân hàng chưa nhận được thông báo của NHNN về việc chuẩn bị lượng tiền mặt để cung ứng cho dịp Tết. “Hiện nay, lượng tiền mặt không thiếu nhưng chúng tôi sẽ giao cho Phòng quỹ liên lạc với các đối tác của ngân hàng là DN để lên kế hoạch dự trù các khoản tiền rút cho việc chi trả lương, thưởng”, cán bộ của chi nhánh Vietcombank Ngọc Khánh nói.


 

Ảnh: Minh họa

Ông Nguyễn Chí Thành khẳng định: Lượng tiền mặt hiện rất dồi dào, đủ cơ cấu mệnh giá và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu Tết của người dân. “Năm nay kinh tế khó khăn chung nên nhu cầu tiền mặt chưa cao. Nhưng nhiều khả năng trước Tết vài tuần, nhu cầu sẽ nhiều hơn. NHNN đã chuẩn bị các phương án dự phòng, dù tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ. Trong tháng này, NHNN đã điều chuyển để tăng dự trữ của các chi nhánh”, ông Thành nói.


“Tết này được nghỉ tới 9 ngày, nhu cầu tiền tiếp quỹ cho ATM vì thế cũng lớn hơn. NHNN sẽ đáp ứng đầy đủ, đảm bảo lượng tiền đủ cài đặt trong các ATM 24/24 giờ, không gián đoạn. Ưu tiên những nơi có nhu cầu ATM lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương”, đại diện Cục Phát hành Kho quỹ nói.

 

Đổi tiền mới: Nơi “khan hiếm”, nơi sôi động


Khi Tết Nguyên đán sắp tới cũng là thời điểm mọi người quan tâm đến việc đổi tiền mới để lì xì lấy may. Đại diện NHNN cho biết: NHNN đã đưa ra một lượng tiền mới nhất định trên cơ sở doanh số thu - chi tiền mặt của từng chi nhánh của ngân hàng. “Việc bổ sung tiền mới cho các địa phương cũng sẽ cơ bản hoàn tất trong tháng 1/2013 này. Đầu tháng 2/2013, nơi nào chưa đủ sẽ cung ứng nốt”, đại diện NHNN nói.


Nhóm phóng viên Tin tức đã có cuộc khảo sát nhỏ tại các ngân hàng cả lớn lẫn nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy: Khách hàng lẻ chưa thể đổi được tiền mới để mừng tuổi vào thời điểm này. Trong vai một người có nhu cầu đi đổi tiền mới, chúng tôi đã đến Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trên đường Trần Duy Hưng và nhận được câu trả lời của nhân viên ngân hàng là không cho khách đổi tiền. Đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Phòng giao dịch số 1 Trung Yên (Cầu Giấy) chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Trong khi đó tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) trên phố Trần Duy Hưng, nhân viên Nguyễn Hương Giang nói: “Hiện tại ngân hàng chưa có tiền lẻ. Là ngân hàng nhỏ nên lượng tiền lẻ được NHNN cung ứng không nhiều. Số tiền này sẽ được ưu tiên dành cho các khách hàng thân thiết và các nhân viên của ngân hàng”. Tình hình có vẻ khả quan hơn khi chúng tôi đến Ngân hàng Tiên Phong, một nhân viên cho biết, tuy không có dịch vụ đổi tiền mới nhưng khoảng 1 tuần nữa, khi NHNN cung ứng tiền lẻ thì ngân hàng này sẽ cho khách hàng đổi tiền lẻ không mất phí.


Ngược lại với sự khó khăn khi đổi tiền lẻ tại các ngân hàng, tại một “chợ đen” tại Hà Nội, lượng tiền lẻ được cho là không thiếu. Tại góc phố Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, 3 người phụ nữ mời chào khách rằng tiền lẻ mệnh giá nào cũng có: loại 20.000 đồng, 50.000 đồng đến 100.000 đồng, kể cả tiền lẻ đô la mệnh giá 1 đô, 2 đô vốn được xem là đồng tiền “may mắn”. Mức đổi chênh lệch là “10 ăn 8”, nghĩa là đổi 1 triệu đồng thì chỉ nhận được 800.000 đồng. Trong khi một người phụ nữ đứng “tư vấn” cho khách thì hai phụ nữ khác đứng hỗ trợ. Nếu khách đồng ý đổi thì sẽ có người đi lấy tiền ngay. Một phụ nữ tên Yến khẳng định: “Chờ đổi tiền ở các ngân hàng thì còn lâu, kể cả nửa tháng nữa cũng không có!”.


Không muốn mất phí khi đổi tiền lẻ ở “chợ đen”, nhiều người thường nhờ người thân làm ở ngân hàng đổi, vừa yên tâm, vừa không mất phí. Bà Tôn Minh Hương (Văn Điển, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã nhờ người quen đổi cho 50 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 20 tờ loại 50.000 đồng. Năm nào tôi cũng đổi như vậy”. Chị Nguyễn Thị Hoài ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc cũng đang nhờ chị gái đang làm kế toán ở một công ty đổi tiền cho. “Chị tôi thường xuyên làm việc với các ngân hàng nên đã có mối quan hệ thân thiết, đổi không bị mất đồng phí nào”, chị Hoài nói.

 

Nên hạn chế đổi tiền lẻ có mệnh giá nhỏ


Liên quan tới nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, NHNN cho biết: Lượng tiền đang lưu thông và trong kho quỹ của ngân hàng vẫn còn rất lớn. Vì vậy sẽ cân nhắc rất kỹ lượng phát hành thêm. Theo phân tích của một chuyên gia ngân hàng, in tiền lẻ thường tốn kém hơn rất nhiều so với tiền mệnh giá lớn, ví dụ muốn in 1.000 đồng thì chi phí phải cao gấp đôi. Trong khi đó, những mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng hay 500 đồng chủ yếu dùng để đi lễ chùa.


“Chi phí in ấn, vận chuyển, bảo vệ và đưa vào lưu thông rất lớn, vậy mà in xong không phục vụ cho thanh toán, chi tiêu thì quả là lãng phí. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nghiêm túc để tránh lãng phí cho xã hội”, ông Thành nói. Theo NHNN, lượng tiền mệnh giá 500 đồng hiện còn rất lớn, vì vậy NHNN có chủ trương sử dụng lượng đang tồn trong kho chứ không phát hành thêm. Nhắc tới việc tiền lẻ có mệnh giá nhỏ dành cho việc đi lễ chùa, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: “NHNN mong người dân nên thay đổi văn hóa lễ chùa khi dùng nhiều tiền lẻ đặt ở khắp mọi nơi. Thay vào đó người dân có thể để tiền mệnh giá lớn hơn vào hòm công đức”.


Phương - Hoàng - Tuấn Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN