Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài 1: Đi đầu cả nước với những chương trình hiệu quả

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tránh tái nghèo, qua đó phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết, phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố trong việc đề ra các mục tiêu và thực hiện có hiệu quả của các chương trình xóa đói giảm nghèo, tăng hộ khá, nhất là khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa trải qua ảnh hưởng của COVID-19 và trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Chú thích ảnh
Tổ phúc tra thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Bài 1: Đi đầu cả nước với những chương trình hiệu quả

Chương trình xóa đói, giảm nghèo nay là Chương trình giảm nghèo bền vững luôn được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và kiên trì thực hiện (từ năm 1992 đến nay) hướng đến không để hộ dân nào bị đói, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là chủ trương, là hành động xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền thành phố và trong từng giai đoạn đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm từ 1 đến 2 năm so với kế hoạch; là địa phương đi đầu cả nước về xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ý thức tự vươn lên thoát nghèo

Tám năm trước, chồng của chị Lê Thị Hương Bình (ngụ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) không may qua đời vì tai nạn giao thông. Cuộc sống của người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già thêm phần khốn khó.

Thuộc diện hộ nghèo, gia đình chị Bình nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ Ban giảm nghèo bền vững của phường, Ban điều hành và Tổ tự quản giảm nghèo của khu phố. Chị Bình được nhận tiền bảo trợ xã hội dành cho phụ nữ đơn thân hộ nghèo nuôi 2 con nhỏ với số tiền 760.000 đồng/tháng; các con chị nhận học bổng, được miễn giảm học phí; gia đình còn được hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế và cũng như hưởng các chính sách cho hộ nghèo vào dịp lễ, Tết… Sự tận tình, chu đáo của địa phương đã thôi thúc chị Bình quyết tâm hơn để vươn lên thoát nghèo. Nhận làm nhiều công việc, từ may hàng gia công đến sửa quần áo, giữ xe tại nhà…, cuộc sống gia đình chị giờ đã khá hơn nhiều so với trước.

Tương tự, trong suốt thời gian dài, gia đình ông Lưu Tinh, dân tộc Hoa (ngụ ở Phường 8, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) có cuộc sống ổn định. Khi COVID-19 bùng phát và phát hiện thêm bệnh ung thư gan nặng, ông phải nghỉ làm để chữa bệnh, gia đình khó khăn hơn. Thu nhập từ lương của bà Mai (vợ ông Tinh) không đủ để con đi học cũng như trang trải thuốc men bởi không có bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội nên gia đình ông được Tổ dân phố, Khu phố, Ban Giảm nghèo bền vững phường giới thiệu vào diện hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025; được quan tâm miễn, giảm học phí, cấp học bổng đến trường; hỗ trợ sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ gia đình ông 300.000 đồng/tháng/năm từ Quỹ “Vì người nghèo”; thăm hỏi, tặng quà vào các ngày lễ, Tết hàng năm...

Bà Huỳnh Thị Ngọc Đẹp, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 5 cho biết: Qua phúc tra gần đây, cuộc sống gia đình ông Tinh ổn định. Từ hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2021 - 2025 với thu nhập bình quân 36,5 triệu đồng/người/năm và thiếu hụt 2 chiều (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) hiện nay đã vươn lên vượt chuẩn hộ cận nghèo với mức thu nhập bình quân hơn 61 triệu đồng/người/năm và chỉ thiếu hụt chiều dịch vụ - xã hội về bảo hiểm xã hội, bởi bà Mai là lao động tự do.

Gia đình chị Bình hay ông Tinh nằm trong rất nhiều trường hợp đã thoát nghèo một cách bền vững, căn cơ từ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chính sách của Thành phố, sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, khu phố và Ban giảm nghèo bền vững địa phương. Tuy nhiên, mọi giải pháp hỗ trợ, trợ cấp sẽ không có hiệu quả, không có đích đến nếu không có sự đồng thuận, ý thức, nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo của gia đình.

Nhiều cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo cho rằng, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như hộ gia đình nghèo già, neo đơn, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo… không còn giải pháp, phải trợ cấp thường xuyên. Ngoài ra, các hộ nghèo có sức khỏe, có ý chí cầu tiến, không ỷ lại thì họ luôn ý thức, tự tìm cách thoát nghèo mà không cần tác động, giảm dần trợ cấp.

Đa dạng hóa các hoạt động, mô hình giảm nghèo bền vững

Nhiều năm qua, các địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhất là tuyên truyền và vận động đã từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng thành viên hộ gia đình nghèo, cận nghèo vượt khó, vươn lên.

Điển hình tại Quận 5, chương trình giảm nghèo bền vững đã và đang huy động được sự ủng hộ của nhân dân; giúp hộ nghèo, cận nghèo hiểu và kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách; nhất là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng thành viên trong việc nỗ lực, phấn đấu vượt khó, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Theo bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, thành công trong chương trình còn là sự quyết tâm đồng lòng từ lãnh đạo, các cấp ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của Quận, Phường và cả Ban điều hành khu phố, Tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo. Việc kiện toàn tổ chức, số lượng và năng lực cán bộ chuyên trách giảm nghèo từ quận đến phường, đạt những yêu cầu đề ra…, nhờ đó địa phương nắm bắt được chính xác, đầy đủ những hoàn cảnh khó khăn cũng như nhận được những đề xuất hợp lý, hợp tình.

Để sớm hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, Quận 5 sẽ tập trung các giải pháp về nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ vốn sản xuất, kinh doanh; bảo đảm trình độ giáo dục trẻ em, nước sạch, phương tiện tiếp cận thông tin, các mức thiếu hụt các chiều dịch vụ - xã hội của các hộ cận nghèo. Quận cũng chú trọng diện tích nhà ở, bảo hiểm xã hội; tiếp tục vận động bảo trợ thường xuyên đối với hộ có hoàn cảnh đặc biệt, không thể tự nâng thu nhập hộ; hiện thực hóa bước chuyển về giảm nghèo đa chiều và bền vững trước năm 2025.

Tại Quận 6, Chương trình giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các giải pháp hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Quận cũng đã đẩy mạnh các hoạt động trợ vốn; trao học bổng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức sàn giao dịch giới thiệu và giải quyết việc làm; hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ tiền điện, nước; tăng cường xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo kịp thời, đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận của người dân…

Phấn đấu thoát khỏi diện hộ nghèo từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình ông Trương Quốc Tường, ở Phường 11, Quận 6 không giấu được niềm vui bởi thu nhập đã khá hơn trước, còn dư dả để tái đầu tư. “Nhờ hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi ngoài trả hết nợ vẫn còn một chút vốn liếng tiếp tục mua bán hàng ngày. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi để mua bán mà các con được học hành, gia đình được tươm tất”, ông Tường chia sẻ.

Gia đình ông Tường thoát nghèo chính là nhờ mỗi thành viên gia đình đều nhận thức rõ ý nghĩa và trách nhiệm số tiền được vay; đồng thời tích cực cùng chính quyền địa phương tuyên truyền chương trình giảm nghèo bền vững. Số tiền không lớn, nhưng việc làm của gia đình ông Tường đã truyền cảm hứng động viên các hộ nghèo khác tự chủ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. 

Ông Nguyễn Kim Phúc, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 6 cho biết: Thực hiện chương trình giảm nghèo, ngoài thực hiện các chính sách chung, Quận 6 còn thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, thay đổi diện mạo đô thị, xây dựng, sửa chữa, chống ngập nhà tình thương cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng số tiền thực hiện chương trình hàng chục tỷ đồng mỗi năm, song hơn hết đó là giải quyết việc làm, là học tập để xây dựng cuộc sống ổn định; là kéo giảm hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi năm.

Để đạt được kết quả đó, Quận 6 đã đa dạng các hoạt động chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo, lan tỏa nhiều mô hình tiêu biểu chung tay vì người nghèo, cận nghèo như mô hình hỗ trợ tận nhà “Gạo 0 đồng”, “Đồng hành cùng sức khỏe cộng đồng”… của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và 14 phường. Hội Liên hiệp Phụ nữ phát huy vai trò các nhóm tương trợ, nguồn tiết kiệm tại chi, tổ hội, qua đó ưu tiên hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, có tích lũy và giảm nghèo. Hội cũng đã phát động 100% Chi hội đăng ký thực hiện mô hình “Mỗi Chi hội phụ nữ giúp 2 hộ nghèo, cận nghèo không tái nghèo”; tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, trao tặng phương tiện sinh kế… Qua đó, góp phần vào phong trào của toàn xã hội tham gia chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và công tác giảm nghèo của địa phương.

Bài cuối: Tăng tốc xóa nghèo từ chính sách đặc thù

Bài và ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài cuối: Tăng tốc xóa nghèo từ chính sách đặc thù
Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài cuối: Tăng tốc xóa nghèo từ chính sách đặc thù

Trong những năm qua, cùng với việc vận động, tạo nhiều điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN