Tình ca cho em

Ghé qua toà soạn để giao nộp bài ảnh cho kịp thời hạn cũng là lúc trời đã ngả chiều. Vi thở phào như vừa trút được gánh nặng, tự dưng nghe lòng mình nhẹ tênh. Dẫu sao cũng đã tròn nhiệm vụ. Loạt bài phóng sự điều tra do nhóm phóng viên chính trị- xã hội của Vi đảm trách kỳ này đã làm sếp hài lòng. Thế thôi mà cũng mất đến gần tháng trời Vi phải cùng các đồng nghiệp ngụp lặn ra vào khắp các vũ trường để thâm nhập thực tế. Để có được loạt bài phóng sự đầy hiểm hóc, lôi cuốn bạn đọc, cô và các đồng nghiệp có lúc tưởng như đã bị mòn nhuệ khí trước sự hiểm nguy và những cám dỗ chết người giữa chốn xa hoa ấy. Thấy Vi hăm hở, năng nổ trong công tác, lại có lối viết sắc sảo rất riêng, sếp có vẻ tự hào và quan tâm tới Vi lắm. Lúc bước chân ra đến cửa, ông còn vẫy tay cô lại dặn dò:


- Sau đợt này con cần dành nhiều thời gian, để tâm chăm sóc cho thằng Huy nhiều hơn nhé. Dạo trước gặp nó chú nom nó có vẻ già và gầy đi nhiều đấy.


Vi “vâng” nhẹ một tiếng mà sao lòng nặng trĩu suy tư. Vi nghĩ đến Huy. Đã lâu rồi Huy thường hay về muộn với bộ dạng của kẻ thất trận. Lắm khi đến mãi khuya cô mới nghe tiếng cạch cổng gọi cửa của anh. Thế là dù đang còn viết dở, cô cũng phải đứng bật dậy rất nhanh, thu vội mớ tài liệu lộn xộn trên bàn, mở cửa đón Huy với một nụ cười thường trực trên môi. Câu chào của cô dành cho chồng vẫn luôn là âm điệu của người vợ đã quá quen với sự chờ đợi mỏi mòn nên những ấm ức tủi hờn sẽ được Vi gói ghém trong lòng, cất giữ ở mãi tận cùng nơi ngõ ngách sâu kín nhất. “Anh có mệt lắm không? Công việc hôm nay có được suôn sẻ không ạ?” hay như “Anh vào tắm táp cho đỡ mệt đi, quần áo và khăn tắm em vắt sẵn trong đó rồi. Hộp cạo râu em mới thay cho anh đó”. Huy chỉ thường đáp lại những câu chào đón dịu dàng, đầy nhẫn nại ấy của cô với chung một ngữ điệu ừ hữ cho qua rồi lững thững bước vào bàn ăn với một khuôn mặt trống rỗng vô hồn. Những câu chuyện của hai vợ chồng từ khi nào đã trở lên rời rạc, giống như hai người xa lạ chưa từng có những tình cảm gắn bó mặn nồng, chưa từng có những ngày tháng vợ chồng hạnh phúc âu yếm, quấn quýt bên nhau. Mới đầu Vi còn hay nghĩ ngợi, cho rằng lỗi ấy đều là do cô cả, nhiều khi cô pha trò, lên giọng hài hước để không khí gia đình thêm phần vui vẻ, bớt đi cái tẻ nhạt đơn điệu mà nếu kéo dài thêm chút nữa, cô sẽ chẳng thể chịu nổi nữa, đầu óc cô muốn căng ra như dây đàn, cuối cùng rồi cũng sẽ đứt mất thôi. Như vừa mới hôm qua, khi Vi vừa dứt câu nói đùa đầy thành ý của mình, chính cô lại cảm thấy mình trở lên vô duyên và lạc lõng đến tội nghiệp.


Minh họa: Trần Thắng


Cũng có thể hạnh phúc tuột khỏi tay Vi là từ hôm Huy đón cô ra về từ phòng hậu phẫu. Vi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác đau đớn mất mát đến tột cùng lúc phải nằm dài trên chiếc bàn lạnh toát để cho người ta đưa cái sinh linh bé nhỏ đã đầy đủ hình hài vĩnh viễn rời xa mẹ nó, vĩnh biệt cái thế giới nhỏ bé này. Đó là lần thứ hai cô phải chịu nỗi giày vò đớn đau như thế. Cô lặng lẽ đi bên anh, lặng lẽ nhìn anh xách túi đồ, lặng nghe những tiếng thở dài đến não ruột mà thấy lòng mình cũng trống hoác trống huơ.


Vi lững thững bước xuống tầng trệt, định bụng dắt xe ra về nhưng thấy trời bỗng nhiên tối sầm lại. Gió thổi mạnh mang theo mùi hơi nước khiến Vi bất giác rùng mình. Gió thổi lùa qua lòng Vi nghe lạnh buốt chênh chao. Mưa bất ngờ đổ ập xuống như trút nước. Định cúi xuống mở cốp xe ra cô mới sực nhớ sáng nay mình đã để quên chiếc áo mưa ở nhà lúc vội vã đến cuộc họp. Cũng vào hôm trời mưa gió thế này, mà hôm ấy có bão lớn thì đúng hơn, khi cô chuẩn bị dắt xe đi để viết tin bài, giữa Huy và cô đã nổ ra một cuộc khẩu chiến. Huy bắt cô phải hủy cuộc hẹn này, anh khăng khăng cho rằng đâu cần cô phải lặn lội đến tận nơi xa xôi tít tắp ấy mới viết được bài, thiếu gì cách để lấy thông tin. Rồi cứ ngồi nhà mà thêm thắt và phóng tác rồi cũng sẽ xong thôi. Vi thì nghĩ khác, không đến được tận nơi để nghe người dân trực tiếp phản ánh, tận mắt nhìn thấy những gì đang diễn ra thì đâu rõ được vấn đề. Cứ ngồi nhà và lấy tin qua điện thoại, qua email cũng được nhưng không có trải nghiệm thực tế thì bài viết làm sao có thể sinh động, thuyết phục được công chúng? Tình trạng người dân làm nhà lấn chiếm mặt đê và phá hoại hàng cây chắn sóng làm nhiều đoạn đê bị sụt lở, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ là hiện tượng được cảnh báo từ lâu, đâu thể làm ngơ? Hôm đó, Vi lầm lụi nổ máy phóng xe đi mà cô vẫn còn nghe rõ sau lưng là tiếng cổng sắt sập mạnh đến váng đầu, nghe mà chói cả lòng.


*
* *


Chiều nay Vi ngược xe ra bưu điện để lĩnh tiền nhuận bút. Tháng này cô nhẩm tính cũng sẽ được một khoản kha khá. Cô sẽ dành để gửi lên Hà Nội cho cô em gái đóng tiền nộp học, còn lại cô sẽ tự thưởng cho mình một lọ kem dưỡng da chống nắng loại Pon’d, một chiếc mũ rộng vành thời trang kiểu mới. Lâu nay ngoài công việc chuyên môn của mình, cô vẫn miệt mài sáng tác, đều đặn có những bài thơ, truyện ngắn được đăng trên các báo. Đây là niềm vui, niềm an ủi đối với cô từ sau ngày Huy và cô dắt nhau ra toà ly dị. Thôi thì níu kéo làm chi khi với Huy những tháng ngày sống bên nhau không còn ý nghĩa nữa. Anh đã chẳng thể tiếp tục vun vén, dưỡng nuôi cây tình yêu đợi đến ngày đơm hoa kết trái, hạnh phúc vẹn đầy. Anh luôn trở về nhà với sự im lặng đến ghê người làm cô chạnh lòng, day dứt. Bốn năm chung sống với anh cũng đã đến lúc cô phải để cho anh được tự do, đi tìm hạnh phúc mới. Huy đã quá sốt ruột khi mãi nghe những lời xầm xì, bàn ra tán vào của bàn dân thiên hạ. Nhiều đêm Vi khóc ròng, mắt đỏ hoe vì lo nghĩ. Rồi có lúc nghĩ lại, cô thấy tự thương mình bởi phụ nữ sinh con đẻ cái âu cũng còn là nhờ đến phúc phận gia đình nhà chồng. Vả lại, khối người cũng từng lận đận như cô mà cuối cùng họ vẫn sinh nở được mẹ tròn con vuông đấy thôi.


Bưu điện hôm nay vắng người, duy chỉ có bà cụ đang loay hoay gói bọc túi chè khô, một ít thuốc lá nam, một ít gừng, tay nâng niu cho vào trong chiếc hộp băng dán lại cẩn thận. Đoạn Vi thấy bà ta tay cầm bút một cách lóng ngóng có vẻ như mắt bà đã không còn tinh tường nữa, Vi lễ phép:


- Thưa bác, bác cứ đọc địa chỉ đi. Để cháu ghi giúp bác ạ.


- Ôi, khổ quá, mắt mũi tôi giờ đã tèm nhèm quá rồi cô ạ. Cô ghi giúp tôi nhé. Người nhận: Nguyễn Thành Văn, hòm thư X, đảo Sinh Tồn- Trường Sa- Khánh Hòa.


- Vậy ra anh nhà bác công tác ở mãi tận ngoài đảo xa ạ?- Vi sửng sốt.


Có vẻ sự nhớ mong đứa con xa nhà đã lâu ngày chưa được về thăm nên giờ có người hỏi chuyện tức thì bà cụ đáp lời giọng hồ hởi và phấn chấn hẳn lên:


- Đúng rồi đấy cô ạ. Đã hai năm nay nó đã được về phép ngày nào đâu. Nó nhắn tin về là nó nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhiều lắm. Rồi lại còn nhắc nhở và căn dặn tôi phải chú ý giữ gìn sức khỏe, ngày mùa chớ có tham công tiếc việc mà ốm thì khổ. Ôi chao, thằng bé Văn ngày nào giờ đã lớn thật rồi.
Bà nghẹn lời xúc động. Lĩnh xong tiền rồi quay ra vẫn còn thấy bà ngồi ở đó, Vi lấy làm lạ:


- Bác còn chưa về sao ạ? Nếu không có xe, bác cứ để cháu đèo về, cháu cũng không vội đâu ạ.


- Thế thì làm phiền cô quá - Bà cụ ngại ngần.


Đó là một ngôi nhà mái ngói có khoảng sân rộng rãi và rợp bóng mát vì ngay trước cổng là giàn thiên lý đương độ đơm bông thoang thoảng mùi hương hoa dịu nhẹ, thơm mát. Thấy cô bỗng nhiên đứng sững lại ngắm nghía những chùm hoa đang đong đưa trong gió, bà cụ lại đon đả:


- Cô biết không, giàn thiên lý này là do một tay thằng Văn nhà tôi trồng đó. Nó thích loài hoa này lắm đấy.


Bà cụ nằn nì mãi thành ra Vi đành phải dắt xe vào sân, vào nhà ngồi nói chuyện, uống nước. Họ trò chuyện xởi lởi như thể là chỗ thân tình quen biết đã lâu. Bà cụ còn cho cô xem tấm hình của anh con trai. Anh ngồi trên mỏm đá mặc bộ đồ hải quân, ôm cây đàn ghi ta đệm hát cùng đồng đội. Người sỹ quan hải quân ấy có gương mặt điển trai, với làn da nâu sạm màu sương gió, ánh mắt sáng tinh anh thu hút cái nhìn của người đối diện và mái tóc rậm dày đầy nam tính. Sau lưng là cảnh hoàng hôn, sóng biển lúc dâng cao, tung bọt trắng xóa.


- Con có điện thoại, tiện bấm hộ bác dòng tin nhắn thế này: “Mẹ đã gửi quà vào cho con. Khoảng tuần sau là sẽ đến nơi thôi. Con chờ nhé” Con gửi vào số: 0918...- Bà cụ chuyển cách xưng hô thân mật.


Quả thật, những tình cảm mộc mạc của người mẹ dành cho con trai mình, người chiến sỹ nơi đảo xa ấy khiến cho Vi thật sự xúc động. Trong nghĩ suy của bà, anh con trai dường như vẫn còn bé nhỏ lắm. Vi còn bất ngờ hơn khi biết rằng chính anh đã tình nguyện xin ra công tác nơi đảo xa mặc cho gia đình hết sức ngăn cản. Quyết định của anh đã khiến anh phải bỏ lỡ một tình yêu đẹp từ thuở còn là học viên Học viện Hải quân. Cô gái người yêu anh, sau vài tháng anh đi, không chịu nổi sự xa cách đã lên xe hoa cùng với đồng nghiệp của mình. Bỗng nhiên Vi nghe như có một mạch nước ngầm dịu ngọt và mát trong cứ âm ỉ đâu đây với những con sóng thật êm dịu nhẹ dâng trong lòng. Rồi cô lại tự cười với chính mình bởi những ý nghĩ vẩn vơ không đâu ấy. “Ôi, rõ thật là lẩn thẩn, mình là gái từng có một đời chồng rồi kia mà. Sao như thế được chứ?”. Bà cụ đến bên Vi từ lúc nào, miệng bỏm bẻm nhai trầu bà bâng quơ:


- Ôi, giá mà thằng Văn nhà mẹ mà gặp được con thì tốt biết mấy!


Câu nói của bà khiến Vi bất giác đỏ mặt.


*
* *


Vi hồi hộp mở Gmail dõi theo Hộp thư đến. Kia rồi, là thư của anh đó. Có tới 3 tin nhắn mà Vi chưa kịp đọc.


- “Em cứ mãi phân vân về chuyện lỡ dở và sự kém may mắn của mình vậy sao? Anh không quan trọng điều đó đâu em ạ. Bên biển, anh không còn cảm thấy cô đơn nữa. Tình cảm cùng sự động viên khích lệ của em đã sưởi ấm trái tim anh rồi đấy. Cảm ơn em. Nhớ em nhiều”.


- “Anh vừa đi tuần về em ạ. Trước bao la, rộn ngợp của biển cả và muôn nghìn trùng sóng vỗ mà càng nhớ em hơn đó. Ước gì có em ở đây lúc này”.


- “Chúc em một buổi sáng trong trẻo và mát lành! Phụ nữ làm báo đi lại nhiều, được biết đây biết đó nhưng chắc là vất vả lắm em nhỉ? Em mới lại qua nhà thăm mẹ đấy ư? Mẹ bảo em còn mang sang mấy thang thuốc bổ để biếu mẹ nữa làm mẹ cảm động lắm. Em cũng nhớ giữ gìn sức khỏe, em nhé!”


Vi đọc những dòng tâm sự chứa chan tình cảm của anh mà trong lòng hạnh phúc dâng trào. Có thật là tình yêu lại đến với cô rồi đấy ư? Anh thật không quan tâm đến quá khứ của cô sao? Anh vẫn quyết tâm đón nhận thứ hạnh phúc rất đỗi mong manh này sao? Thật cô không dám tin nổi. Cả bà cụ nữa, biết rõ hoàn cảnh của cô như thế mà bà vẫn niềm nở, đon đả, lại còn nhiệt tình vun vén cho hai đứa...


- Vi này - Sếp đã đứng bên từ lúc nào mà cô không hay - Đợt này tỉnh ta tổ chức chuyến công tác ra ngoài Trường Sa. Báo ta sẽ có ít nhất hai phóng viên đi cùng. Con nghĩ thế nào?- ông hỏi giọng thăm dò.


Vi giật mình, lẽ nào lại có sự trùng hợp một cách thú vị đến thế. Chợt nghĩ đến anh, mặt cô đỏ bừng, giọng nhỏ nhẹ:


- Dạ thưa sếp, con xin đăng ký tham gia chuyến đi này sếp nhé? Đã lâu rồi con rất muốn ra ngoài ấy để...


Ông nhìn Vi, giọng nghiêm nghị:


- Đây là chuyến đi đầy sóng gió nhưng chú tin vào con. Chú chọn con vì ngoài niềm hăng say với công việc, nghiệp vụ vững vàng, lại nghĩ biết đâu chuyến đi này cho con cảm hứng để viết được cái gì đó cũng nên? Như một cái truyện ngắn chẳng hạn? Nhưng, phụ nữ ra đảo là sẽ mệt lắm đấy con gái ạ.


- Sếp yên tâm, công việc được giao con sẽ hoàn thành tốt thôi mà.


Và, lúc này đây, Vi đang lênh đênh trên chuyến tàu trở về đất liền. Có ra thăm đảo cô mới thấm thía những gian lao thử thách mà những người lính phải trải qua. Bốn bề là đại dương bao la, con tàu nhiều phen lắc lư chao đảo trước những con sóng dữ cứ chồm lên không dứt. Mọi người dường như cũng thấm mệt vì say sóng. Ban đầu họ còn sôi nổi chuyện trò như pháo ran. Có anh nhà thơ còn hứng chí ngâm nga những câu thơ mới vừa sáng tác, tiếng hát tiếng đàn ghi ta bập bùng theo những cánh sóng. Song giờ đây, họ lặng im, mỗi người mải theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Trong lòng Vi như vẫn đang du dương theo giai điệu của những câu hát đã lắng sâu vào cảm xúc, lan tỏa trong trái tim cô, vì cô yêu đảo hay bởi yêu anh, cô cũng không rõ nữa. “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba...”


Hình ảnh anh cùng đồng đội thân yêu lúc đi tuần hay khi cặm cụi trồng rau, chăm sóc cây để giữ cho hòn đảo một màu xanh mướt mát, cho sự sống sinh sôi nảy nở với một niềm tin phơi phới tương lai. Nhìn những giọt mồ hôi lấp lánh ướt đầm trên vai áo anh hay những lúc sôi nổi trong đêm giao lưu văn nghệ, cô càng thêm vững tin hơn vào tình yêu, về sự lựa chọn lần này của mình. Bất giác cô ngượng ngùng nhớ lại lúc anh đặt lên môi cô nụ hôn ngọt ngào, dưới tán cây bàng vuông đang nở hoa trắng ngát, giữa những cơn gió biển thổi lùa vào lòng cô làm dịu mát những nghĩ suy. Cảm giác đó cứ dịu ngọt tơ vương theo cô mãi suốt chuyến đi này. Chuyến đi này cô đã mang về không chỉ là những nhành san hô, những con ốc biển lấp lánh sắc màu và bài ký sự còn tươi nguyên màu nắng gió, cô còn đang ấp ủ sẽ viết một truyện ngắn, về câu chuyện tình của người lính đảo và cô nhà báo nơi hậu phương. Cô tin rằng sẽ có một cái kết rất mực có hậu.

Vũ Thị Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN