Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và... - Bài 4

Bài 4: "IBM", anh là ai?

 

Có ai đó đã rất đúng khi nói đến miền đất mới, nếu hiểu được nền văn hoá, phong tục tập quán của người địa phương, đã là một bảo đảm cho thành công của chuyến đi. Một nhà báo phương Tây nhiều năm lăn lộn ở Trung Đông còn đúng hơn khi nhận định làm việc gì, ở đâu, cũng cần có kinh nghiệm, ở nước ngoài cần gấp đôi, nhưng nếu đến khu vực này, cần gấp năm, gấp bẩy, vẫn thiếu.

 

Từ chuyện “chầm chậm, từ từ”…

 

Đến Trung Đông, sẽ rất khó cho ai không thạo đường, do với người địa phương, giúp đồng loại là điều kinh Koran dạy từ tấm bé, và họ thấy “có lỗi” nếu được hỏi đường mà không chỉ, nên dù không biết, vẫn… chỉ đại: Người bảo đi thẳng, kẻ mách lộn xe lại, chẳng biết đâu mà lần. Chịu thế trong nội thành còn đỡ, khổ nhất ngoài đường trường, thí dụ từ Hà Nội vào Thanh Hoá, lẽ ra phải xuống phía nam, nhưng họ cứ chỉ ngược lên mạn bắc, để tới… Lạng Sơn, âu cũng… quá bình thường, trong khi biển báo rất ít, mờ nhạt, hoặc có chỗ toàn bằng tiếng Arập. Ngay ở sân bay quốc tế Tripôli của Libi, tôi chứng kiến mọi thông tin đều chỉ dùng tiếng Arập. Khó ló khôn, những lúc ấy, chúng tôi cứ “nhằm” cánh đàn ông mặc complê, xách catáp, chắc chắn xác suất được chỉ đúng sẽ cao hơn hẳn. Lạ nỗi, dù chỉ đúng, hay sai, hoặc trước khi làm bất cứ việc gì, do thiếu tự tin, mọi người ở đây đều nói ”Inshaallah” (Hồng đức của Thánh), ý nói phải nhờ Thánh Allah nữa thì việc ấy mới tốt được.

 

Khách sạn Tulip ở Đubai

Ai nhanh nhẹn, hoạt bát mấy, đến Trung Đông cũng nên biết ”nhấn phanh”, kẻo luôn hỏng việc, vì tại đây, người ta đều chầm chậm, từ từ. Thủ trưởng ký rồi, xuống văn thư xin dấu, được hẹn ”Bukra” (Ngày mai); Đi khám bệnh, mang phim X quang cho bác sĩ đọc, bảo ”Bukra”, dù trước đó đã phải mất mấy cái hẹn như thế mới có được tấm phim kia. Đã có lần, chính người viết bài này do không chịu thêm được bệnh tật, buộc phải “phản ứng”, bảo thày thuốc nếu cứ ”Bukra” mãi thế, e tôi không còn gặp được ông nữa, nhờ vậy mới có được đơn thuốc sau khi phải chờ chừng 20 phút cú điện thoại của ông. Xin nói thêm, thông thường ”Bukra” không mấy khi đã là ”Ngày mai”, mà là một tuần, một tháng nữa, thậm chí là ”Không bao giờ”. Thế nên, nếu ai đó nói ”Bukra” đến thăm, bạn chớ vội lo đón tiếp, hoặc được hẹn mai đến lấy giấy tờ, thì cứ 10 ngày sau hãy tới, nếu được cũng là may chán rồi. Lại nói chuyện điện thoại, có lẽ đây là nghề kinh doanh “trúng” nhất ở vùng này, vì ai cũng “nghiện nặng” dịch vụ ấy, với những cú đàm thoại dài vô tận, nên tới đâu, nếu gặp lúc chủ nhà có điện thoại, xem như… lỡ việc.

 

Được hẹn đến mà không tới; đồng ý tiếp, nhưng… quên; bảo ra sân bay đón… rồi bỏ đi thành phố khác,v.v, là những chuyện quá đỗi bình thường, chớ nên trách cứ làm gì, vì tất cả sẽ đều có chung câu trả lời ”Malưsh” (Không sao cả!). Người ta ”Malưsh” do lỡ hẹn; vì dẫm vào chân nhau chỗ đông người; do va quệt vào xe của bạn, hay gây bực tức cho người khác, thậm chí là cả khi huỷ hợp đồng, bỏ đối tác,v.v, xem đấy vừa như một câu an ủi, vừa hàm ý điều vừa xảy ra nằm ngoài ý muốn của người gây ra nó, đấy đã là sự sắp đặt của ”Ai” đó rồi. Ở đây, ai cũng hiểu như thế, nên ”Malưsh” mặc nhiên được tất cả chấp nhận ở mọi nơi, mọi lúc, ngay cả khi… bực muốn chết.

 

Thời công nghệ thông tin hiện đại, IBM-tên viết tắt từ tiếng Anh (International Business Machines) của Tập đoàn công nghệ máy tính khổng lồ, đa quốc gia, có trụ sở ở New York, Mỹ, không mấy xa lạ với mọi người. Song, ít ai biết rằng ở đây, nhóm nhà báo nước ngoài chúng tôi, đã mượn cái tên IBM ấy, nhưng viết tắt theo tiếng Arập (Inshaallah - Bukra - Malưsh) vừa kể, để nói về những tính cách rất đặc trưng của người dân thân thương, gần gũi mà hàng ngày chúng tôi được tiếp xúc, và đều được họ rất thích thú với “IBM” của mình, bảo quá đúng, quá hay.

 

… Đến những khác lạ và bức tranh tối

 

Chưa hết, tới vùng này, khi dòng xe đang lưu thông, xin chớ ngạc nhiên và bực tức nếu phải dừng lại do chủ hai xe phía trước bất chợt đỗ khựng, xuống kính để… “nói chuyện qua loa” do lâu ngày mới gặp; hoặc hai chàng lái tắcxi tắt máy để… đổi tiền lẻ. Họ chia sẻ tình cảm và giúp nhau mà, ai nỡ trách! Hoặc, giữa khúc “cua”, có xe lù lù đỗ trước mặt, cũng nên hiểu là… không sao, vì chủ của nó… cần đỗ ở chỗ ấy! Nếu đi mua giày dép, áo quần, phải rất chú ý, kẻo bị mỗi chân một cỡ, hoặc quần nọ, áo kia,v.v. ”Malưsh” mà!. Cũng như vậy, phải rất cẩn trọng khi trả tiền dịch vụ, thí dụ cùng một điện thoại để bàn, nhưng tiền gọi nội địa có hoá đơn riêng, gọi quốc tế lại một phiếu thu khác, và gọi vào máy di động… có hẳn một “Faktoura” (biên lai) nữa, rối mù cả lên, đó là chưa kể những nhầm lẫn, sai sót, do sự thờ ơ, cẩu thả vô độ của con người. Nhưng, tất cả cũng ”Malưsh” cả thôi!

 

Khu nhà ổ chuột ở Arập Xêút.

 

Có lẽ bức tranh xã hội tối màu nhất ở Trung Đông là sự khác biệt quá lớn giữa người giầu-kẻ nghèo, thành thị-nông thôn, chốn phồn hoa-nơi heo hút, mà chắc không dễ khắc phục. Chỉ cần vài giờ chạy xe hơi, bạn sẽ từ những bàn tiệc thịnh soạn, các cửa hiệu sáng choang, nơi chưa cần mua đã được mời trà ngon, bánh ngoại, để đến những chỗ chỉ có một dòng kênh đen ngòm được dùng để tắm giặt cho cả một xóm vắng; hoặc từ những cuộc tiếp xúc, nơi các quý ông, bà, cô, cậu, dùng rặt tiếng Tây, vì nói tiếng mẹ đẻ nó cứ… “làm sao ấy (?!)”, để tới những vùng ngay thanh niên cũng không biết đâu là chữ “a” ngược, “a” xuôi. Tôi vẫn nhớ có lần đi tới nơi xa tít ở một vùng quê nọ, vào thăm chợ, nếu mua gì, gọn cả chục, thì người bán… tương đối dễ tính tiền, còn mua lẻ, chẳng hạn 6-7 cái, xin cứ lần lượt trả theo đơn giá… từng cái một, để “đừng làm khổ tôi” (Người bán) nữa. Hỏi máy tính tiền cầm tay? - Đâu có biết nó là cái gì. Đúng là cười ra nước mắt là thế!.

 

May thay, tuy vẫn “chầm chậm, từ từ”, nhưng hình như mọi cái đã bắt đầu thay đổi. Mà phải như thế, vì đấy là xu thế tất yếu, nhất là lúc thiên hạ giàu có, một phần nhờ biết cách “rút ruột” Trung Đông, đã nhận ra rằng bất công, đói nghèo và lạc hậu luôn đồng hành với nhiều tệ nạn, thậm chí là tai hoạ cho chính họ, rõ nhất là khủng bố, cái mà nơi đây thường bị gắn cùng.

 

Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông)

 

Kỳ cuối: Việt Nam bao giờ cũng là “Al-Auoăn"!

Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 3
Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 3

Có lẽ không đâu ngoài Trung Đông, lòng hận thù lại đan xen, sâu sắc và dai dẳng đến thế. Khổ nỗi, cùng với thời gian và những biến cố lịch sử, nó cứ chồng chất mãi lên, rồi đẻ ra chiến tranh, sinh ra mâu thuẫn tôn giáo, phe phái, dòng tộc, để cuốn tất cả vào bom đạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN