Nhìn lại nhạc Việt 2013

Điểm mặt anh tài


Năm 2013 được coi là tương đối rôm rả cho thị trường âm nhạc trong nước. Có thể điểm lại bằng những gương mặt dưới đây.


Bên cạnh những cây cổ thụ của nền âm nhạc VN như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi với “những bài hát của một thời” vẫn luôn được sử dụng ở các chương trình của VTV hay VOV hoặc trong các show diễn đề cao tinh thần cách mạng, thì âm nhạc giải trí vẫn luôn sống động với các nhạc phẩm được hòa âm phối khí lại của: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang…

 

Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn cùng ban nhạc “Unit asia”.Minh Đức – TTXVN


Những người được gọi là trẻ như: Quốc Trung, Huy Tuấn, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Hồ Hoài Anh, Giáng Son, Vũ Quốc Việt… mặc dầu vẫn giữ nguyên vị trí nhưng cũng đã bắt đầu… già, thích hợp với các vai người thầy giảng dạy và dẫn dắt lớp trẻ. Riêng Đỗ Bảo, vào ngày cuối năm mở show “Cánh cung” với những ca khúc quen thuộc: Bức thư tình đầu tiên, Bức thư tình thứ hai, Những mùa đông yêu dấu, Mùa cây trổ lá, Cánh buồm đỏ thắm, Đỉnh núi lãng quên, Thời gian để yêu, Cỏ mềm, Mây… được khán giả đón nhận nồng nhiệt.


Những tên tuổi mới cũng gây được ấn tượng như: Trần Mạnh Hùng (người đã đoạt “cú đúp” giải Nhất hai năm liền gần đây ở hai thể loại: giao hưởng và ca khúc nghệ thuật, và một giải Nhì ở thể loại solo nhạc cụ dân tộc), không chỉ nổi tiếng với “Cơn mưa mùa đông” mà còn là người tạo ra những bản hòa âm rất đặc sắc cho nhiều ca khúc. Lưu Hà An với “Độc đạo”, nữ nhạc sĩ mới ngoài 20 tuổi Sa Huỳnh với bài Li ti cũng có nét riêng trong phong cách. Bên cạnh đó những cái tên mới cũng đã tìm được chỗ đứng như: Hương Tràm, Văn Mai Hương và nhất là Quang Anh, Phương Mỹ Chi…


Các chương trình âm nhạc cũng đem lại cho đời sống âm nhạc ngày càng sôi động. Năm 2013 có trên 300 chương trình âm nhạc lớn nhỏ. Bên cạnh các show diễn thuần túy giải trí là những chương trình chú trọng tính nghệ thuật và kén khán giả như opera, hát với dàn nhạc đến hòa nhạc cổ điển thính phòng.


Điều đặc biệt là, các nhạc sĩ có nhiều bài hát được sử dụng đã sống được bằng tác phẩm của mình, thể hiện qua bảng xếp hạng tiền bản quyền tác phẩm của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, hay qua các yêu cầu đặt hàng của ca sĩ. Những ca sĩ trẻ thích khám phá như Tùng Dương, Thu Minh… đều đặt hàng nhạc sĩ viết và bán độc quyền cho họ. Hay nhiều ngành, nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng đặt hàng bài hát.


Tìm kiếm nhân tố mới


Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, qua các cuộc thi âm nhạc đã tạo ra hoặc tìm kiếm được những nhân tố mới. Những nhân tố đó có thể hình thành một trào lưu thưởng thức âm nhạc mới hoặc ít nhất cũng làm gương mặt làng giải trí sinh động hơn.


Và, như một điều kỳ lạ, kinh tế khó khăn dường như không tác động gì đến hoạt động này. Vé các show diễn ngày nay đều ở mức tiền triệu, nhưng show nào cũng đông khách. Người không có tiền đến nhà hát thì ở nhà xem tivi và nhắn tin bình chọn. Các cuộc thi nhờ đó nở rộ. Có những chương trình nhờ lượng khán giả bình chọn mà ban tổ chức có đủ kinh phí để trao giải thưởng lên tới hàng tỷ đồng. Chẳng hạn chỉ riêng một bài Chiếc khăn piêu - Tùng Dương biểu diễn đã mang về 1 tỷ đồng.


Ngoài ra, dù không phải là cuộc thi nhưng có trao giải, được coi là uy tín là Giải cống hiến của báo Thể thao&Văn hóa. Không chỉ khán giả mà cả giới chuyên môn và nhà báo đều coi đây là một “thước đo chuẩn” đối với các đóng góp có ý nghĩa của các nghệ sĩ cho nền âm nhạc. Đặc biệt năm nay RockStorm và LUALA Concert cùng công bố khởi động “mùa mới” và cả hai đều lọt vào tầm ngắm của Giải cống hiến này.


Buồn cho giải thưởng được trông đợi của năm


Giải thưởng Hội Nhạc sĩ vẫn là giải thưởng được trông đợi nhất. Tuy nhiên, năm nay, giải thưởng này dường như không có gì nổi trội. Hội đồng xét giải khi trao giải thưởng này đã nhận xét rằng: “Thanh nhạc ở mức độ trung bình; khí nhạc ít, không nổi trội, lý luận thất thu”.


Cũng theo đánh giá của Hội đồng xét giải, với 169 tác phẩm của 169 tác giả, trong đó thanh nhạc có 130 ca khúc, 18 ca khúc thiếu nhi, 4 hợp xướng; khí nhạc có 1 giao hưởng, 9 độc tấu - tứ tấu - hòa tấu nhạc cụ; 1 chương trình biểu diễn và 6 công trình sách nghiên cứu lý luận, số lượng các tác phẩm năm nay giảm hơn hẳn so với năm trước. Nguyên nhân, một phần vì thời hạn nhận bài năm nay kết thúc sớm (vào ngày 30/10) nên một số nhạc sĩ không biết thông tin và không kịp gửi bài đúng hạn. Song có một thực tế đáng buồn là 4/6 hạng mục trao giải không có giải A.


Nhận xét cho từng thể loại, về thanh nhạc không tạo được sự khác biệt độc đáo hay dấu ấn cá nhân vì “dựa dẫm” vào âm hưởng dân ca quá nhiều, từ giai điệu đến tiết tấu. Ca khúc nghệ thuật ít tính sáng tạo, có chăng là thêm phần đệm piano nhưng cũng rất sơ sài.


Hợp xướng viết không đúng thể loại. Phối khí chưa hiệu quả khi lạm dụng âm sắc điện tử hay tiết tấu tự động. Nhiều tác phẩm thiếu sự rung động của thực tế đời sống nên mới chỉ dừng lại ở tính địa phương, phong trào, thiếu tính nghệ thuật. Khí nhạc cũng vậy, tác phẩm ít, chỉ đáp ứng về kỹ thuật diễn tấu mà thiếu hiệu quả nghệ thuật. Các tác phẩm hòa tấu viết cho dàn nhạc dân tộc vẫn theo lối mòn cũ về phong cách và ngôn ngữ. Đặc biệt, về lý luận phê bình âm nhạc vô cũng ít ỏi, hầu hết là những tên tuổi cũ...


Có lẽ đáng nói nhất là những tác phẩm thanh nhạc mang chủ đề biển đảo quê hương đã mang đến cho người yêu nhạc một tinh thần lạc quan yêu nước và lòng tự hào dân tộc.


Như thế, năm 2013 với người yêu nhạc đơn thuần và giản dị thì âm nhạc Việt hay âm nhạc từ các nước biểu diễn ở Việt đã đáp ứng được thị hiếu của họ. Song giới chuyên môn cũng như những người có đôi tai “cầu kỳ” thì mong muốn nhạc Việt phải có nhiều hơn nữa các tác phẩm khí nhạc, từ hòa tấu, độc tấu đến các thể loại lớn như Concerto, giao hưởng, nếu là thanh nhạc cũng phải được viết một cách cẩn trọng hơn từ ca từ đến tổng phổ.


Trần Thị Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN