Tết dài ngày của đồng bào Dao ở Công Sơn

Xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có 258 hộ với 1.341 khẩu sinh sống. Người dân sống trong xã 100% là đồng bào dân tộc Dao. Tết của đồng bào người Dao ở đây có những nét độc đáo, được gìn giữ từ nhiều đời nay.

Nhiều điệu múa độc đáo được thể hiện trong Tết Nhảy của người Dao. Ảnh: baothanhhoa.vn


Tết của đồng bào dân tộc Dao đến sớm, bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp và kết thúc vào 15 tháng Giêng; gồm Tết năm cũ từ 15 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp và Tết năm mới bắt đầu từ mùng 1 tháng Giêng đến 15 tháng Giêng. Theo phong tục của đồng bào Dao, sau một năm lao động vất vả, đến giữa tháng Chạp, mọi người đều tạm dừng các công việc để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên chuẩn bị đón Tết và chọn ngày đẹp để tổ chức cúng Tết.

Năm nay, chúng tôi được mời đến dự lễ cúng Tết tại nhà anh Hoàng Trần Hinh, ở thôn Phiêng Luông, xã Công Sơn. Mâm cỗ gồm thịt lợn, gà, bánh chưng, rượu, tiền vàng (được cắt bằng giấy bản) bày trước bàn thờ tổ tiên. Thầy cúng thay mặt gia chủ báo cáo tổng số nhân khẩu trong gia đình,  kết quả một năm lao động, sản xuất và mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất về ăn Tết, mời tổ tiên ra thăm đồng và mong tổ tiên phù hộ cho năm mới gia chủ được mùa màng tốt tươi, con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.

Sau thủ tục cúng Tết, mâm cỗ được dọn xuống để mọi người trong gia đình họ tộc cùng nhau nâng chén rượu đầu xuân, chúc nhau nhiều điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Anh Hoàng Trần Hinh cho biết: Tùy theo từng gia đình, nhà có điều kiện hoặc đông anh em thì mổ lợn, mời khách từ 4 - 5 mâm, nhà không có điều kiện hoặc ít anh em chỉ thì tổ chức 1 hoặc 2 mâm. Mỗi nhà sắm lễ cúng sao cho vừa tiết kiệm, vừa đúng phong tục. Anh em hoặc hàng xóm không ăn Tết trùng ngày để có thời gian đến ăn Tết với nhau. Sau khi ăn Tết tại gia đình xong, mọi người sẽ chọn một ngày đẹp để ăn Tết tại nhà thờ Tổ.

Sáng 30 Tết, đồng bào Dao thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên gồm gà, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo... Gia chủ sẽ thắp hương lên bàn thờ, cúng xong cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới; nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình sẽ làm trong năm mới và cùng chờ đón đêm giao thừa. Ngày mùng 1 Tết, mọi người đến nhà anh em, hàng xóm chúc Tết. Từ ngày mùng 2 đến ngày 15 tháng Giêng, mọi người sẽ đi du xuân.

Ông Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Cách ăn Tết của đồng bào Dao ở đây là một nét văn hóa độc đáo, không lẫn vào cách ăn Tết của những dân tộc khác và được bảo tồn từ đời này sang đời khác. Trong những ngày Tết,  đồng bào Dao thường tập trung ở những nơi công cộng như nhà văn hóa, trụ sở UBND xã để giao lưu, chơi những trò chơi dân gian. Trong những lần gặp gỡ, du xuân, nhiều chàng trai, cô gái  Dao đã tỏ tình, giao duyên, nên vợ thành chồng. Đồng bào Dao ở đây rất nhiệt tình và hiếu khách. Họ quan niệm ngày Tết mà có nhiều anh em, bạn bè đến chúc và cùng ăn Tết, chúc nhau những điều tốt đẹp là năm đó gia chủ làm ăn có nhiều "lộc" hơn.


Thắng Trung
Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Cao Bằng
Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở Cao Bằng

Theo phong tục tập quán của người Dao Tiền ở Cao Bằng, nam giới đã có vợ con phải làm lễ cấp sắc để chứng tỏ người đó đã trưởng thành, có vị thế trong xã hội và cũng nhằm đặt tên âm cho người con trai đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN