Triển lãm 'Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro'

Ngày 14/7, tại Khu Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu ở thành phố Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Nghệ An tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu - bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh và tư liệu quý được trưng bày tại triển lãm. 

Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023) và 118 năm khởi phát phong trào Đông Du (1905 - 2023).

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 67 hình ảnh, tư liệu quý được trưng bày theo 2 chủ đề chính, gồm: Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu - bác sĩ Asaba Sakitaro và phong trào Đông Du; mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Triển lãm góp phần đẩy mạnh giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân; củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh, triển lãm là hoạt động để tưởng nhớ, tri ân chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - người đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ XX. Thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và chỉnh lý, trưng bày bổ sung tại Khu Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu. Bảo tàng liên kết với Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Khoa học Lịch sử, Hội hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Thừa Thiên - Huế, tăng cường quan hệ hợp tác với Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An (quê hương của cụ Phan Bội Châu) nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu ở Thừa Thiên - Huế.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm.

Cụ Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà tư tưởng, văn hóa lớn, người đã khởi xướng phong trào Đông Du, người mở đầu cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Dù bị thực dân Pháp và tay sai luôn tìm cách phong tỏa, kìm kẹp, nhưng cụ Phan Bội Châu luôn đầy nhiệt huyết và bất khuất; là tấm gương sáng, người truyền lửa sức mạnh cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét về cụ Phan Bội Châu với lòng tôn kính, xem ông là “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập...”.

Chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro cùng sinh năm 1897, cùng chung chí hướng vì đại nghĩa, vì dân tộc. Bác sỹ Asaba Sakitaro là người đã hỗ trợ tích cực cho phong trào Đông Du do Nhà yêu nước Phan Bội Châu sáng lập. Hiện nay, tấm bia tưởng niệm bác sỹ Asaba Sakitaro, do chính cụ Phan Bội Châu tạo dựng vào năm 1918, vẫn được bảo tồn tại thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka. Đây là minh chứng về một tình bạn đẹp Việt - Nhật trong thế kỷ XX.

Triển lãm mở cửa, phục vụ khách tham quan đến ngày 20/7.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Nhiều hoạt động trong Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 8
Nhiều hoạt động trong Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 8

Theo Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Việt - Nhật lần thứ 8 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh có chủ đề “Cùng nắm chặt tay nhau, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới” với 12 hoạt động chính liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, thương mại, du lịch...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN