Tăng cường liên thông dữ liệu để hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) xung quanh việc làm thế nào để thực hiện tốt hơn tư vấn cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tuân thủ đúng quy định, tránh trục lợi thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), liên thông dữ liệu.

Thưa bà, với vai trò là cơ quan tiếp nhận, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bà có đề xuất gì để triển khai BHTN hiệu quả hơn và hạn chế tình trạng người lao động bị truy thu, xử phạt nếu vi phạm hưởng trợ cấp BHTN?

Người lao động trước hết phải hiểu được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp , đó là đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng quyền lợi khi mất việc nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 49 của Luật việc làm như sau:

Đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) và có các giấy tờ như: Bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).

Chú thích ảnh
Bà Vũ Thị Thanh Liễu Phó, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với người lao động (NLĐ) ký HĐLĐ không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng (90 ngày), kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ/HĐLV.

Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, cơ quan bảo hiểm phải tiến hành truy thu số tiền đã chi sai khi phát hiện ra hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.Theo Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020, người lao động sẽ bị chấm dứt việc hưởng trợ cấp khi thất nghiệp của mình nếu đã có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể:

Đã ký hợp đồng với bên sử dụng lao động từ đủ 1 tháng trở lên (áp dụng cho hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc nhất định từ đủ 1 tháng trở lên).

Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm áp dụng cho những người không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người lao động sau khi thất nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh và có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Người lao động đã có việc làm và thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm biết.

Như vậy, nếu người lao động đã/đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ bị truy thu số tiền bảo hiểm đã/đang nhận từ Quỹ bảo hiểm.

Do vậy, người lao động hết sức chú ý có việc làm lập tức phải thông báo ngay cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi mình đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN biết để tránh tình trạng trùng đóng trùng hưởng - có việc làm mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp dẫn tới thiệt đơn thiệt kép khi bị phát hiện gian lận trục lợi BHTN là vừa bị thu hồi tiền trợ cấp, bị xử phạt hành chính và không được bảo lưu thời gian đã tham gia BHTN.

Đối với các đơn vị trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động và tiến hành thẩm định, tham mưu các quyết định liên quan đến giải quyết chính sách BHTN thì chúng tôi rất cần được hỗ trợ sử dụng ứng dụng phần mềm BHTN để tính đúng, đủ hiệu quả và chính xác hơn.

Cụ thể là phần mềm BHTN giúp quản lý các nghiệp vụ trong quá trình giải quyết BHTN đối với người lao động; giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo luôn được chính xác và kịp thời. Đồng thời, người lao động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí; góp phần giảm giấy tờ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người lao động, thực hiện cải cách cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN hơn.

Những hạn chế của Luật Việc làm 2013 dẫn đến những nguy cơ có thể khiến người lao động tìm cách trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Những chính sách này cần được điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?

Việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC

Hơn 14 năm thực hiện giải quyết chính sách BHTN, việc chưa có chức năng về kết nối được với dữ liệu quản lý thu của cơ quan BHXH nên trước khi giải quyết chế độ hưởng BHTN cho NLĐ tại Trung tâm DVVL còn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện NLĐ có quá trình trùng đóng BHXH, với việc hưởng BHTN.

Nhiều trường hợp NLĐ bị phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng TCTN hoặc trong quá trình giải quyết chi trả TCTN, hoặc quá trình chốt sổ BHXH cho NLĐ cơ quan BHXH phát hiện. Vì vậy, việc giải quyết thu hồi TCTN đối với NLĐ thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm và còn khó thực hiện hơn nhiều khi phát hiện NLĐ vi phạm bị thu hồi là lúc NLĐ đã hết hưởng TCTN.

Như vậy, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện chính sách BHTN là cần thiết, giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN. Bà có đánh giá như thế nào về tình hình ứng dụng CNTT trong giải quyết BHTN hiện nay? 

Việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách BHTN sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận BHTN.

Cụ thể là phần mềm BHTN giúp quản lý các nghiệp vụ trong quá trình giải quyết BHTN đối với người lao động; giúp cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo luôn được chính xác và kịp thời. Đồng thời, người lao động tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí; góp phần giảm giấy tờ thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người lao động, thực hiện cải cách cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Vừa qua, phần mềm về BHTN mà Trung tâm DVVL Hà Nội cũng như 1 số TTDVVL trong cả nước tác nghiệp bị lỗi, gặp khó khăn trong làm công tác tiếp nhận hồ sơ NLĐ báo cáo.

Việc xử lý thao tác các nghiệp vụ hoàn toàn thủ công dẫn đến tốn rất nhiều nhân lực, thời gian của cán bộ nghiệp vụ, tính chính xác sẽ không cao. Chính vì những khó khăn này, mà tính ứng dụng CNTT vào thực tế trong lĩnh vực này thực hiện chưa cao, chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Bà có đề xuất gì về chính sách để thuận lợi hơn cho người lao động? Theo bà, những thông tin tích hợp trên CCCD có thể giúp giải quyết nhanh chóng các chế độ an sinh, trong đó có thụ hưởng BHTN?

Tôi rất chia sẻ với người lao động khi thời gian vừa qua, tình trạng thất nghiệp tăng lên nhiều. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 6 tháng dầu năm, hồ sơ nộp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 32% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm trước. Tháng 6 vừa qua có 10.000 hồ sơ nộp đến trung tâm. Đây là rất con số rất đáng lo ngại. Đến tháng 8/2023 có hơn 58.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Do vậy, trong thời gian qua, từ tháng 5.2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, của UBND Thành phố Hà Nội, hiện trung tâm đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ của người lao động qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp người lao động giảm bớt khó khăn, thủ tục nhanh gọn hơn, giảm thiểu việc phải đi lại. 7 tháng đầu năm, trung tâm đã tiếp nhận 16.000 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tôi cũng rất ủng hộ việc tích hợp trên CCCD để có thể giúp giải quyết nhanh chóng các chế độ an sinh, trong đó có thụ hưởng BHTN.

Xin bà cho biết những trường hợp cụ thể có dấu hiệu trục lợi BHTN của người lao động? Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, đã phát hiện những trường hợp nào, cách xử lý ra sao?

Hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận giải quyết, việc phát hiện NLĐ vi phạm BHTN đã hưởng sai TCTN có cả các trường hợp đang trong thời gian hưởng TCTN và các trường hợp đã chấm dứt hưởng TCTN (tức là đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp). Các trường hợp vi phạm việc hưởng TCTN thuộc các trường hợp sau đây:

Do Trung tâm DVVL phát hiện khi NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN; hoặc trong thời gian đang hưởng NLĐ đến thông báo tình trạng việc làm hàng tháng.

Một số là các trường hợp theo kết quả các kỳ Kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan BHXH phát hiện NLĐ có việc làm, được đóng BHXH nhưng vẫn hưởng BHTN mà không thông báo cho Trung tâm DVVL Hà Nội.

Một số là các trường hợp NLĐ tự nguyện đến trung tâm có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình Hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền TCTN do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.

Hoặc một số các trường hợp theo Thông báo của cơ quan BHXH gửi đến Trung tâm DVVL để phối hợp giải quyết do trong quá trình giải quyết chi trả TCTN phát hiện NLĐ tiếp tục tham gia đóng BHXH, BHTN tại đơn vị mới trong thời đang hưởng TCTN của lần hưởng trước (NLĐ trùng đóng, trùng hưởng); hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí; giải quyết chế độ tử tuất cho NLĐ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát trong thực hiện chế độ BHTN với người lao động, đồng thời thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên, phòng tránh việc trục lợi BHTN. Đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH, BHTN cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.

Đối với các trường hợp phải thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, cán bộ trung tâm đã hướng dẫn và đôn đốc người lao động nộp lại tiền đã hưởng sai quy định cho cơ quan BHXH theo các quyết định chấm dứt, hủy, thu hồi đã ban hành. Sử dụng nhiều hình thức liên lạc thông báo người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để hoàn thiện các thủ tục giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Bà nhận định thế nào về tình hình, nguy cơ trục lợi quỹ BHTN trong bối cảnh hiện nay?

Dưới góc nhìn của đơn vị thực hiện quản lý đối tượng, cá nhân người lao động (NLĐ) được hưởng chính sách BHTN và cụ thể là Trung tâm DVVL thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) thì hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận giải quyết, việc phát hiện NLĐ vi phạm BHTN đã hưởng sai trợ cấp thất nghiệp (TCTN) có cả các trường hợp đang trong thời gian hưởng TCTN và các trường hợp đã chấm dứt hưởng TCTN (tức là đã hưởng hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Còn đối với cá nhân người lao động (NLĐ) nơi chúng tôi tiếp nhận và giải quyết thì trên thực tế trong quá trình trao đổi, làm việc và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách BHTN trình bày về lý do dẫn đến hành vi vi phạm việc hưởng TCTN, đa số NLĐ vi phạm không cố tình vi phạm pháp luật BHTN, không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu bởi một số lý do.

Trước hết, nguyên nhân từ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ): NLĐ chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về BHTN nói riêng.

NLĐ nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng BHXH, BHTN mới bị cắt hưởng TCTN.

NLĐ chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động (khi mới vào làm việc trao đổi là thử việc và chưa được nhận hợp đồng lao động (HĐLĐ). Tuy nhiên, khi được nhận và ký HĐLĐ thì ngày có hiệu lực của HĐLĐ lại được xác định từ trước thời điểm ký kết, hoặc thời gian thử việc doanh nghiệp vẫn báo tăng đóng BHXH, BHTN)...

Do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết HĐLĐ, NLĐ vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo HĐLĐ.

Vì khoảng cách địa lý giữa nơi làm việc của NLĐ với trụ sở làm việc của chủ sử dụng lao động, dẫn tới NLĐ được nhận và ký HĐLĐ muộn hơn so với ngày có hiệu lực trên HĐLĐ đã được đơn vị xác định.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

XL/Báo Tin tức
Khuyến nghị đưa chế độ trợ cấp trẻ em, gia đình để hạn chế rút BHXH một lần
Khuyến nghị đưa chế độ trợ cấp trẻ em, gia đình để hạn chế rút BHXH một lần

Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa có khuyến nghị đưa chế độ trợ cấp trẻ em, gia đình để hạn chế rút BHXH một lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN