Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài 2: Lên thành phố mưu sinh

Nhiều lao động trẻ ở nông thôn đã rời bỏ mảnh ruộng để đến thành phố mưu sinh. Bởi theo họ, bám vào mảnh ruộng ở quê nhà chẳng lo được cho gia đình.

Nguyễn Thị Lài, 21 tuổi, quê ở Hậu Giang cùng hàng trăm công nhân vừa tan ca ở một xí nghiệp may mặc trong Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vội ghé qua những hàng thực phẩm được bày bán ở vỉa hè cách đó không xa để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.


Lài kể: “Nhà em có 3 công đất trồng lúa nhưng có 3 anh chị em. Hai anh em đã lên thành phố làm việc từ 2 năm nay. Chỉ còn đứa em đang đi học thì ở dưới quê”.

Nhiều thanh niên nông thôn vào làm việc tại các khu công nghiệp.


Lài cho biết thêm, thu nhập của hai anh em cũng được trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí ăn ở, sinh hoạt cũng gửi về gia đình khoảng 2 -2,5 triệu đồng. “Lúc hai anh em chưa lên thành phố, cha em làm 3 công lúa chật vật lắm thì mới lo đủ 5 miệng ăn, chuyện học hành cũng không dám mơ tới. Bây giờ bọn em lên đây vừa khỏi phải sống bám vào 3 công lúa của gia đình mà còn gửi thêm tiền về quê phụ cha mẹ lo cho đứa em út ăn học đến nơi đến chốn. Thấy cuộc sống của gia đình mình tốt hơn em cũng mừng. Chỉ mong sao công việc trên đây ổn định, công ty có hàng thường xuyên” - Lài tâm sự.


Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi ghé thăm nhà anh Lê Thanh Vân, 28 tuổi, công nhân của xí nghiệp may Sông Tiền Nhà Bè, tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Anh Vân khoe từ ngày đi làm công nhân, ngoài số tiền gửi về cho gia đình hàng tháng, anh còn tích cóp để mua xe gắn máy, một số vật dụng phục vụ sinh hoạt của gia đình. Anh Vân chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng bỏ lên thành phố đi làm công nhân, sau này ở thành phố Mỹ Tho có xí nghiệp nên tôi xin về đây làm để sống gần gia đình. Nói thật lòng thanh niên bây giờ đa phần không muốn ly hương nhưng lại muốn ly nông. Bởi làm nghề nông cơ cực quá mà dù có 7, 8 công ruộng thì cũng đâu đủ ăn”.

Em Thạch Thị Quang, 17 tuổi phụ việc tại quán phở ở TP Hồ Chí Minh.


Tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đây là xã 100% nông nghiệp với gần 2.000 nông hộ chủ yếu trồng cây ăn trái và hoa màu. Theo ông Võ Thành Được, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cũng như trồng lúa, nghề trồng xoài, bắp, ớt ở xã cũng khổ sở do đầu ra bấp bênh. Xã có hơn 3.000 người là lao động trẻ chiếm 50% trên tổng số lao động. Nhưng bỏ đi làm nơi khác khá nhiều, ở lại bám vào vài công đất thì làm sao mà sống được”.


Theo lời ông Được, những lao động trẻ bỏ đi nơi khác làm công nhân đều có mong muốn thoát nghèo. Như các hộ gia đình ông Lưu Văn Nguyền, Lê Văn Chạnh, Huỳnh Thị Lẹ có 4 - 5 nhân khẩu nhưng con cái đều đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, chỉ còn cha mẹ ở nhà làm nông nghiệp. Đến nay kinh tế của các hộ này cũng khá ổn định.

Đồ đạc của gia đình được anh Vân mua sắm từ thu nhập ở xí nghiệp.


Chúng tôi gặp hai anh em ruột người Khmer, Thạch Thị Quang, 17 tuổi, Thạch Chấp, 21 tuổi, quê ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Được biết cả hai anh em đã phụ việc chạy bàn ở quán phở trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh từ 4 năm qua. Em Thạch Thị Quang cho biết: “Cả nhà em ai cũng đi làm mướn để kiếm sống. Trước ở dưới quê, ai thuê gì làm đó. Bây giờ lên Sài Gòn phụ bán phở, được bao ăn, ở, thêm lương 2,7 triệu/tháng để gửi về phụ gia đình”.


Em Thạch Chấp cho chúng tôi biết thêm, gia đình em có 5 công ruộng trồng lúa và có đến 9 nhân khẩu. “Hồi đó ngoài làm lúa, cha em còn đi làm thợ hồ kiếm thêm tiền. Em và chị hai với con bé Quang đi gặt lúa, vác lúa mướn để phụ lo cho mấy đứa em nhỏ. Nhưng từ ngày có máy móc, việc đồng áng cũng không cần nhiều nhân lực như trước nữa nên tụi em lên đây làm. Chị Hai thì đi tỉnh Kiên Giang làm cho hãng nước mắm. Cha mẹ em vẫn ở lại Trà Vinh vừa cấy lúa, đi làm thuê, vừa lo cho mấy đứa em”, em Thạch Chấp kể. Không chỉ hai anh em Thạch Chấp, Thạch Thị Quang, hiện có rất nhiều thanh thiếu niên người đồng bào Khmer ở các tỉnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ lên thành phố mưu sinh.


Trước thực trạng những lao động trẻ nông thôn ở ĐBSCL không còn mặn mà với đồng ruộng, về nguyên nhân chủ yếu, theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thu nhập của người nông dân bấp bênh, điệp khúc “trúng mùa mất giá” diễn ra thường xuyên, điều này xuất phát từ cách sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, tình trạng lao động trẻ bỏ ruộng đồng lên thành phố làm công nhân, lực lượng lao động già hóa đi là một hệ lụy tất yếu.


Bài và ảnh:Anh Đức

Bài cuối: Nông dân bán ruộng

Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài 2: Lên thành phố mưu sinh
Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài 2: Lên thành phố mưu sinh

Nhiều lao động trẻ ở nông thôn đã rời bỏ mảnh ruộng để đến thành phố mưu sinh. Bởi theo họ, bám vào mảnh ruộng ở quê nhà chẳng lo được cho gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN