Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài cuối: Nông dân bán ruộng

Chạy dọc các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ qua các tỉnh, thành ĐBSCL, không khó để thấy những mảnh ruộng vừa mới gặt xong ít lâu đã cắm tấm bảng… “bán ruộng”.


Hệ quả của sản xuất manh mún, nhỏ lẻ


Mấy ngày qua, ông Lê Văn Phúc, 53 tuổi, ấp Tân Bình, xã Long Bình Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã quyết định rao bán thửa ruộng 1,5 công. Ông Phúc cho biết: “Con cháu bây giờ đổ xô đi làm hết trên thành phố, với lại sản xuất lúa không hiệu quả do chi phí đầu vào cao mà giá bán đầu ra bấp bênh. Hơn nữa, do tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều nên tôi muốn bán ruộng. Nếu bán đi thì có được khoảng 600 triệu đồng để trả hết nợ nần, còn bao nhiêu thì chia cho con cái”.


 

Một thửa ruộng tại huyện Thủ Thừa, Long An vừa gặt xong đã treo bảng bán ruộng.

 

Ông Hai Trong, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cũng đang rao bán gần 3 công ruộng với giá 300 ngàn đồng/m2. Ông Hai Trong nói: “Thực ra làm ruộng thì không lỗ mà lời lãi không bao nhiêu. Làm quần quật mà chỉ kiếm được vài trăm ngàn mỗi tháng thì chẳng bõ công mình bỏ ra. Chưa kể tới chi phí sản xuất ngày càng tăng lên”.


Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai cho rằng, trong khi đầu ra của hạt lúa bị thương lái ép giá, đầu vào lại bị người kinh doanh phân bón, giống chèn ép. Đã có nhiều dân phải bán đất ruộng để trả nợ, giải quyết nhu cầu sinh hoạt vì làm nông nghiệp không đủ lo cho cuộc sống. “Nông dân mình thường mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của các đại lý. Họ dùng chiêu khuyến mãi đi du lịch chỗ này, chỗ nọ để dụ người dân mua nhiều loại thuốc BVTV. Trong khi chỉ cần mua một loại thuốc là đủ. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó, sản xuất lúa được mùa nhưng lại mất giá dẫn đến người nông dân rơi vào hoàn cảnh lãi chỉ đủ trả đại lý thuốc BVTV. Thậm chí, do không có đủ tiền cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và tái sản xuất, người nông dân còn buộc phải vay nóng lãi suất cao. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ kéo dài từ năm này đến năm khác, có hộ chịu không nổi đành phải bán luôn tư liệu sản xuất của mình. Bán hết đất thì đi làm mướn. Khi không còn sức lao động nữa thì địa phương lại làm cho cái sổ hộ nghèo. Đó là cái thực trạng của địa phương” - ông Đen bức xúc nói.


Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đó là kiểu bóc lột sức lao động của nông dân mà bất cứ xóm, làng nào của vùng ĐBSCL đều tồn tại. Bởi vậy khi nhắc đến công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, ông Đen than thở: “Dù chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức, nhưng tốc độ giảm hộ nghèo rất chậm, chỉ khoảng 1 - 2%. Hộ này vừa được xóa nghèo thì lại xuất hiện hộ khác”.


Phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp


Có thể thấy rằng, cách sản xuất nhỏ lẻ, ruộng lúa ít ỏi đang là thực trạng phổ biến của nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, để có thể làm giàu từ cây lúa, người nông dân cần thực hiện phương châm “dồn điền đổi thửa”. Bởi vì không thể vươn lên với vài công lúa mà cần tích tụ ruộng đất, đưa tiến bộ khoa học và đưa cơ giới vào nông nghiệp, để một người nông dân có thể sản xuất, quản lý nhiều hécta lúa. Bà Huỳnh Ngọc Sương, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có 130 công đất trồng lúa tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tôi bán hết hơn 20 công ruộng ở Đồng Tháp rồi về mua nhiều đất hơn ở tỉnh Kiên Giang. Bản chất của nghề nông là lấy công làm lời. Tôi cho rằng chỉ khi có nhiều đất thì người nông dân mới thoát cái nghèo được”.


 

Anh nông dân Huỳnh Văn Sơn ở xã Tân Đông, huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An đã gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

 

Tuy nhiên, đó là cách làm của một bộ phận rất nhỏ ở ĐBSCL, tại sao những nông hộ ít đất không hợp lực lại với nhau để cùng nhau sản xuất, cùng tháo gỡ những “gọng kìm” ở đầu vào, đầu ra? GS.TS Võ Tòng Xuân, người có nhiều tâm huyết với ngành nông nghiệp đã từng nhìn nhận, những bất cập trong đời sống của nông dân một phần cũng do chính bản thân người nông dân tạo nên. Nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, không muốn hợp tác hóa.


Cũng đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, ngoài việc xem xét nâng mức hạn điền nông nghiệp, ủng hộ mô hình cánh đồng mẫu lớn, cần phải để cho nông dân thấy rằng tham gia hợp tác xã (HTX) là có lợi, phải xóa bỏ đi những định kiến về HTX trước đây. “Chúng ta cần có chính sách xây dựng một HTX lấy mục đích kinh tế là hàng đầu, không phải HTX mang nặng yếu tố chính trị. Nhà nước cần làm mẫu một mô hình HTX thực sự hiệu quả về mặt kinh tế để cho nông dân triển khai theo. Phải mở trường đào tạo cho nông dân để nâng cao kiến thức nông nghiệp, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hiểu rõ hợp tác hóa là như thế nào. Từ những chính sách đó sẽ hỗ trợ kéo lao động trẻ trở về nông thôn. Khi nông nghiệp phát triển thì các ngành dịch vụ, thương mại sẽ phát triển và đời sống người dân nông thôn cũng được cải thiện”, GS.TS Bửu nói.


Bài và ảnh: Anh Đức

Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài 2: Lên thành phố mưu sinh
Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng? - Bài 2: Lên thành phố mưu sinh

Nhiều lao động trẻ ở nông thôn đã rời bỏ mảnh ruộng để đến thành phố mưu sinh. Bởi theo họ, bám vào mảnh ruộng ở quê nhà chẳng lo được cho gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN