Ngắm Hà Nội từ Flycam sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn; với nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Cách đây 15 năm, ngày 1/8/2008, Hà Nội đã hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội có diện tích tự nhiên là 3.300 km2, dân số thời điểm đó đạt 6,2 triệu người.

Sau 15 năm hiện thực hoá Nghị quyết 15 của Quốc hội, nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành; tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, hạ tầng giao thông cũng được đổi mới. Hà Nội đã trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với dân số gần 9 triệu người. Tốc độ đô thị hóa chuyển mình rõ rệt; nhiều tòa cao ốc, công trình giao thông trọng điểm xuất hiện ở khắp các quận, huyện.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh trung tâm chính trị của Thủ đô Hà Nội nhìn từ hồ Hoàn Kiếm ra sông Hồng.
Chú thích ảnh
Cầu Nhật Tân là một trong những công trình tiêu biểu nhất, được xây dựng vào năm 2009, sau khi Hà Nội sáp nhập địa giới hành chính. Đến năm 2015, cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Chú thích ảnh
Nhịp cầu Vĩnh Tuy 2 được hợp long sáng 30/5/2023, dự kiến thông xe vào đầu tháng 9/2023 sẽ hoàn chỉnh kết nối đôi bờ sông Hồng, giữa quận Long Biên và Hai Bà Trưng.
Chú thích ảnh
Quận Cầu Giấy có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất Hà Nội. Những tòa nhà "chọc trời" ở Hà Nội xây dựng sau dấu mốc 2008 như Keangnam (72 tầng) và Lotte Center Hanoi (63 tầng) từng là những tòa nhà cao nhất, nhì Việt Nam.
Chú thích ảnh
Đường Hồ Tùng Mậu là tuyến đường kết nối 3 quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Đây cũng là địa giới kết nối TP Hà Nội (cũ) với tỉnh Hà Tây trước khi sát nhập năm 2008.
Chú thích ảnh
Hàng loạt khối nhà cao tầng dọc đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân). Đường Lê Văn Lương là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội.
Chú thích ảnh
Vành đai 3 đi qua bán đảo Linh Đàm-tuyến đường giao thông huyết mạch nối trung tâm TP Hà Nội với cửa ngõ phía Nam.
Chú thích ảnh
12 tòa nhà của Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm tại bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội). 
Chú thích ảnh
Nút giao Trung Hoà là một trong 5 nút giao có nhiều tầng giao thông nhất Hà Nội, với 3 tầng xe chạy,  đã đi vào hoạt động năm 2016. Tương lai, nút giao này sẽ có 4 tầng giao thông khi tuyến đường sắt đô thị được khởi công xây dựng.
Chú thích ảnh
Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội), là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại Thủ đô. Đây là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị lớn, các hoạt động chính trị, thương mại mang tính quốc gia và quốc tế. Cổng chính của trung tâm đi qua Đại lộ Thăng Long.
Chú thích ảnh
Tòa nhà kim tự tháp ngược khổng lồ của Bảo tàng Hà Nội có diện tích 54.000m2, cao 30,7 mét.
Chú thích ảnh
Đường đua F1 xây dựng trên đường Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm). Chặng đua xe công thức 1 dự kiến tổ chức tại đây và kỳ vọng kích cầu du lịch. Do dịch COVID-19, TP Hà Nội đã quyết định hủy chặng đua này.
Chú thích ảnh
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (tuyến Metro đầu tiên của Hà Nội) thể hiện một hình ảnh mới khác biệt của dịch vụ vận tải hành khách công cộng; hiện đại và văn minh, được nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày. 
Chú thích ảnh
Tuyến Metro thứ 2 của Thủ đô đang được xây dựng với chiều dài 12,5 km. Hiện nhà thầu đã vận hành thử 8 toa tàu, dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối năm 2023.
Chú thích ảnh
Hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) dài 475 mét, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, giải quyết phần lớn tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - vành đai 3.
Chú thích ảnh
Nút giao Nguyễn Trãi-Vành đai 3-Nguyễn Xiển là nút giao thông phức tạp nhất Thủ đô Hà Nội, với 4 tầng giao thông.
Chú thích ảnh
Vòng xuyến nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ tại cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Chú thích ảnh
Hiện Hà Nội có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Ngày 23/2/2023, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND đặt mục tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Chú thích ảnh
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng Nông thôn mới. Đến tháng 7/2023, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Chú thích ảnh
 Khu liên cơ Võ Chí Công là công trình trọng điểm của UBND TP Hà Nội, đặt tại quận Tây Hồ, rộng 7.270 m2; là nơi làm việc của 8 sở, ngành.
Chú thích ảnh
Công viên Hòa Bình được khởi công vào ngày 20/2/2009 tại xã Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm; với tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng.
Chú thích ảnh
Công viên Cầu Giấy, hai bên là trụ sở báo Lao Động và toà nhà FPT.
Chú thích ảnh
Ngã tư Đào Tấn-Liễu Giai, nơi có toà tháp Lotte Center Hà Nội (Hanoi City Complex) cao 272,3m là tòa nhà chọc trời cao thứ 3 tại Việt Nam và thứ 2 ở Hà Nội. Đây cũng là nơi đặt ga ngầm S9-dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội.
Chú thích ảnh
Trạm bơm Yên Nghĩa (nằm trên địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và xã Đông La (huyện Hoài Đức), là trạm bơm tiêu nước lớn nhất của Thủ đô Hà Nội.
Chú thích ảnh
Nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam tại huyện Sóc Sơn đã hòa lưới điện quốc gia ngày 25/7/2023; hiện xử lý 5.000 tấn rác/ngày; giải quyết 70% lượng rác đang chôn lấp của Hà Nội hiện nay.
Chú thích ảnh
Trụ sở Bộ Công an số 47 Phạm Văn Đồng, nằm trên diện tích 5,3 ha, có kiến trúc hiện đại, độc đáo, đảm bảo chỗ làm việc cho lãnh đạo Bộ Công an và hơn 4.000 cán bộ Văn phòng Bộ.
Chú thích ảnh
Với 600 triệu USD, Lotte Mall Tây Hồ (nằm giữa hồ Tây và đường Võ Chí Công) là trung tâm thương mại có tổng mức đầu tư cao nhất TP Hà Nội.
Chú thích ảnh
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện.

 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
15 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước
15 năm mở rộng địa giới hành chính: Hà Nội đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội lần lượt chỉ bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN