Xem "Tâm linh Việt" để cảm một tấm lòng nghệ sĩ

Hơn hai tiếng đồng hồ theo chân NSND Lan Hương qua các giá đồng; quả thật đòi hỏi phải là những người phải thật sự yêu nghệ thuật, thật sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và “Tín ngưỡng thờ Mẫu" nói riêng- loại hình nghệ thuật truyền thống vừa được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Chương trình "Tâm linh Việt" trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ tối 12/12/2016.

Hơn hai tiếng với không gian sân khấu được tái hiện lại chính xác không gian hầu đồng, cũng đủ thanh đồng, phụ đồng hầu chuẩn bị trang phục, lễ lạt; rồi dàn nhạc… Lan Hương không bỏ qua gì trong tất cả những nghi thức cho một buổi hầu đồng. Đặc biệt, trong lần thứ 3 ít ỏi được lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ của chương trình “Tâm linh Việt”, nữ đạo diễn còn quyết định thực hành các nghi lễ thay trang phục ngay trên sân khấu; để thấy tính chân thực tuyệt đối của chương trình.


Xem và lắng mình để xem, mới thấy Lan Hương đã dành tâm huyết cho chương trình này biết bao nhiêu. Mỗi đêm diễn là vô vàn mồ hôi, là vô vàn sức khỏe bỏ ra.




NSND Lan Hương đã dành rất nhiều tâm huyết cho chương trình.

Cái người phụ nữ nhỏ thó ấy lúc lăn, lúc lộn, lúc nhảy, lúc múa kiếm, lúc phất cờ… không thiếu gì cả; cứ cảm giác lo cho sức khỏe của chị; nhưng không, càng diễn càng hăng, càng mê đi trong mỗi giá đồng, có cái oai hùng của một vị tướng, có cái đỏm dáng của một Cô Bơ, Cô Đôi Thượng ngàn; có lúc lại khanh khách nhõng nhẽo, tinh nghịch của cô bé hay cậu hoàng. Cảm giác không còn nhận ra đó là Lan Hương nữa, mà như một thanh đồng thực sự. Nghe lỏm ở ngoài, để thực hiện chương trình này, Lan Hương cũng đã tốn tiền đi hầu đồng nhiều lắm.


Sau 5 năm, "Tâm linh Việt" mới lại có cơ hội sáng đèn sân khấu.

“Tâm linh Việt” ra đời cách đây 5 năm (năm 2011), là sản phẩm của Lan Hương và đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ. Người phụ nữ đã làm gì là lăn xả, hết mình này; muốn dàn dựng chương trình với mục đích mang đến cho khán giả trong nước và bạn bè quốc tế một cách thể hiện mới về văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng của người Việt.


“Tâm linh Việt”, vì thế là một chương trình múa dân gian kết hợp nghệ thuật đương đại, mô phỏng phong tục hầu đồng (hầu bóng) của đạo Mẫu của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, phong tục và nghi lễ thờ cúng của đạo Mẫu được đưa lên sân khấu, với sự kết hợp của hầu đồng, múa đương đại, nghệ thuật hình thể, múa hầu bóng cổ, vũ đạo tuồng… trên nền nhạc hát Văn của NSƯT Văn Chương.


Lan Hương đã vắt kiệt mình cho đêm diễn.

Chỉ ra mắt rồi “đắp chiếu”, cũng bởi diễn một đêm “Tâm linh Việt” quá kỳ công, quá mất sức, quá tốn kém nữa, chưa kể rất khó có khán giả. Lan Hương cũng đã mang vở diễn đi nhiều nơi, nhưng cũng không tìm nổi khán giả. Phải tới tận tháng 4 vừa rồi, nhờ có tài trợ, chương trình mới lại được lên sân khấu.


Và lần này, cũng là có vai trò của một Mạnh Thường Quân - ông Hồ Hữu Việt, Chủ tịch Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương, thì “Tâm linh Việt” mới lại được diễn, thì Lan Hương mới lại được thỏa sức vẫy vùng trong cuộc chơi của riêng mình, không cần biết dưới kia có bao nhiêu khán giả…


“Tâm linh Việt” lần này nằm trong chương trình “Kết nối doanh nghiệp”, do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam - VNABC phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức; nhân dịp tròn 1 tháng ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về “Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam 10/11” và chào mừng sự kiện "Tín ngưỡng thờ Mẫu" của Việt Nam được UNESCO công nhận.


Như chia sẻ của giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, văn hóa doanh nghiệp sẽ được vun đắp từ những vở diễn thế này, khi mà các doanh nhân như ông Hồ Hữu Việt, biết trân trọng và tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản văn hóa của dân tộc, mà trực tiếp ở đây là Tín ngưỡng thờ Mẫu.


Đến thế giới còn công nhận, lẽ nào người Việt Nam ta không biết nâng niu. Và cũng thật may cho Lan Hương và “Tâm linh Việt”, vì xem ra, sau khi “Tín ngưỡng thờ Mẫu” được UNESCO công nhận, chương trình “Tâm linh Việt” cũng sẽ được nhìn nhận một cách đúng giá trị hơn, được phổ biến rộng rãi hơn tới đông đảo công chúng- chính là điều Lan Hương muốn hướng tới, khi chị vật vã xây dựng chương trình, vật vã diễn và vật vã bao năm giữ lửa cho “Tâm linh Việt" cho tới tận hôm nay.


PT. Ảnh: Thế Toàn
Giới thiệu “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”
Giới thiệu “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”

"Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt" là chủ đề chương trình giới thiệu văn hóa tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN