TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực đảm bảo đủ chỗ học trong năm học mới

Dù đại diện ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh khẳng định, năm học 2023 - 2024 sẽ đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh, nhưng việc tốc độ xây dựng trường lớp mới không kịp so với tốc độ gia tăng dân số, đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng sĩ số lớp học, giảm học 2 buổi/ngày

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2023 - 2024, số học sinh tại TP Hồ Chí Minh là 1.703.693 học sinh, tăng 35.055 học sinh so với năm học trước.

Chú thích ảnh
Năm học 2023 - 2024, TP Hồ Chí Minh  đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung, học sinh tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT, tập trung tại thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện như: Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. 

Đây là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao. Cụ thể, quận Bình Tân là một trong những quận gặp áp lực lớn về dân số, những năm qua số học sinh trên địa bàn quận luôn tăng. Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, số học sinh tại quận này là 111.346 học sinh, trong đó học sinh đầu cấp tăng gần 8.000 em. Trong khi đó, năm học này, quận Bình Tân không có thêm phòng học mới nào được đưa vào sử dụng, điều này càng làm gia tăng áp lực trường lớp trong năm học mới. 

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm nay học sinh cấp THCS tăng nhiều nhất, tăng 2.378 học sinh. “Để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, chúng tôi phải nâng sĩ số lớp học lên và giảm thời gian học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, sĩ số sẽ không vượt quá tiêu chuẩn 45 học sinh/lớp học. Năm nay, THCS tăng nhiều nhất nên chúng tôi sẽ giảm số lớp học hai buổi/ngày xuống còn 39%; tiểu học thì sẽ cố gắng duy trì được 50%”, ông Ngô Văn Tuyên nói.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, về nguyên tắc, vẫn đảm bảo số tiết học cho học sinh, nhưng sẽ có một số hoạt động không đầy đủ và học sinh phải học trái buổi, vấn đề này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, cũng như ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tương tự, quận Gò Vấp dự kiến năm học 2023 - 2024 có trên 6.000 học sinh tốt nghiệp THCS, thế nhưng có khoảng 9.500 học sinh vào lớp 6. Trước áp lực này, quận đang tính các giải pháp để đáp ứng chỗ học cho các em lớp 6.

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, để đảm bảo chỗ học cho học sinh lớp 6, các khối lớp trên sẽ phải tăng sĩ số. Dự kiến năm học mới, tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày bậc THCS sẽ phải giảm xuống, để nhường phòng học cho khối lớp 6.

Ông Hồ Tấn Minh cho rằng, hiện nay địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Việc gia tăng số học sinh nêu trên sẽ dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế, kéo theo sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách Thành phố”, ông Hồ Tấn Minh nói.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong năm 2023 – 2024 Thành phố sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 48 dự án, với 672 phòng học mới. Trong đó, số phòng học tăng thêm là 371 phòng, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

“Qua đó, năm học 2023 - 2024 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục và theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Hồ Tấn Minh khẳng định.

Còn theo ông Ngô Văn Tuyên, trong năm học mới này, quận Bình Tân không có thêm trường học mới nào, mà chỉ có 12 dự án được khởi công đầu tư thêm, chủ yếu là trường mầm non và tiểu học.

“Những trường lớp mới xây và đưa vào sử dụng chỉ mới đáp ứng cơ bản được số học sinh gia tăng hằng năm, chưa đủ để giảm sĩ số lớp học và tăng thời gian học hai buổi của học sinh”, ông Ngô Văn Tuyên thông tin thêm.

Theo đại diện các quận, huyện, hiện áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh rất lớn nhưng công tác xây dựng trường lớp tại quận cũng gặp khó. Khó nhất là thiếu quỹ đất, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục đầu tư công.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã trình đề xuất, tham mưu UBND Thành phố các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.

Cụ thể, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó, tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như: Quận 7, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh...

Bên cạnh đó, Thành phố có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa; có các giải pháp hỗ trợ các UBND quận, huyện tháo gỡ cho các dự án chậm triển khai, quỹ đất còn vướng do nhiều nguyên nhân.

Song song đó, UBND Thành phố kiến nghị Bộ, ngành và Chính phủ sửa đổi tại các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ diện tích đất tối thiểu thành diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ giáo dục và đào tạo.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Thí sinh lưu ý lịch thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển theo các tỉnh, thành phố
Thí sinh lưu ý lịch thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển theo các tỉnh, thành phố

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 3646/BGDĐT-CNTT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN