Bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm 'lực đẩy phục hồi'

Đến năm 2024, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) đã có nhiều chuyển biến tích cực về cung cầu, nhưng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Các chuyên gia BĐS cho rằng, các địa phương cần có cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ ngành Du lịch, mới mong lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư vào phân khúc này.

Chưa thể khởi sắc 

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.

Chú thích ảnh
Bất động sản nghỉ dưỡng cần thêm lực đẩy phục hồi.

Có thể nói, những chính sách thông thoáng từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương  đối với ngành Du lịch thời gian qua đã tạo điều kiện cho du lịch nội địa phát triển, hướng tới phục hồi toàn diện hoạt động du lịch như trước thời điểm dịch COVID-19.

Đặc biệt, năm 2023, du lịch Việt Nam còn nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards). Nổi bật là giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới lần thứ 4. Điều này đã tiếp tục khẳng định tiềm năng, sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa của Việt Nam trong phát triển du lịch.

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành Du lịch gắn với phát triển BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn chưa rõ nét, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Pháp lý, thủ tục hành chính, khơi thông nguồn vốn...

Trong Báo cáo thị trường BĐS Việt Nam 2023, dự báo năm 2024 của Hiệp hội BĐS Việt
Nam (VNREA), từ quý IV/2023, thị trường đã có thêm sự bổ sung nguồn cung từ các phân khúc chung cư, nhà ở xã hội, công nghiệp... vốn khan hiếm, vắng bóng trong năm 2023. Song, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc ghi nhận sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khó khăn về thị trường, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. 

Qua rà soát của VNREA, quý III, IV/2023, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu là các sản phẩm căn hộ biển tại các tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng... không đạt như kỳ vọng và không có dự án nào quy mô lớn, đều tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý.

Cần lực đẩy
Qua tìm hiểu, BĐS nghỉ dưỡng liên quan chặt chẽ đến thị trường du lịch. Sự liên kết chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực này mang đến những tiềm năng, dư dịa phát triển lớn nếu tận dụng được đà tăng trưởng về nhu cầu du lịch của khách nội địa và quốc tế.

Tại Diễn đàn thị trường BĐS Việt Nam 2024 mới đây, các chuyên gia BĐS, kinh tế cùng nhận định chung rằng, mặc dù hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương, nhưng các giải pháp nhằm giữ chân, thu hút khách du lịch được áp dụng đi kèm với tín hiệu tích cực về nguồn cầu và các chính sách thị thực mới được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho BĐS thời gian tới.

Bà Phạm Thị Miền, chuyên gia nghiên cứu thị trường và xúc tiến đầu tư (VNREA) nhận định, năm 2024 hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành Du lịch, gồm chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy nguồn cung vào thị trường. Dự báo, nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện, với khoảng 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, vì đáp ứng được nhu cầu về tính sở hữu, có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 về tháo gỡ quy định việc cấp sổ hồng cho loại hình BĐS căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng... thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, mang đến kỳ vọng cho chủ đầu tư, nhà đầu tư.

Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2024, thị trường BĐS nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với BĐS nghỉ dưỡng, động lực đầu tư công và quy hoạch 63 tỉnh, thành phố đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo sẽ tháo gỡ khó khăn về chính sách cho nhiều dự án.

Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động các chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề liên quan đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng như du lịch, dịch vụ, tạo lực đẩy đảm bảo phân khúc này có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Đây là vấn đề mấu chốt lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Thanh khoản nhỏ giọt, gia tăng áp lực tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng
Thanh khoản nhỏ giọt, gia tăng áp lực tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại, cả nước có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai, tạo ra gần 100.000 căn condotel, 3.000 căn villa biệt thự, 15.000 căn khách sạn mới. Tuy nhiên, có hơn một nửa số dự án đó đang nằm “đắp chiếu” chờ sự tháo gỡ về pháp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN