Các máy lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Bà Rịa đã hoạt động bình thường trở lại

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin, Bệnh viện đã hoàn thành việc sửa chữa tất cả các máy lọc máu nhân tạo tại Khoa Lọc máu. Ngày 20/10, Bệnh viện đã đưa số ca lọc máu trở lại hoạt động bình thường từ 4 ca xuống 3 ca lọc máu/ngày.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân lọc máu nhân tạo tại Khoa Lọc máu. 

Bệnh nhân Đinh Thị Hồng Lan, ở ấp Xà Bang 2, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) vui mừng chia sẻ, từ tháng 4/2023, nhiều máy lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Bà Rịa bị hỏng, bà đang lọc máu ca 1 phải chuyển sang ca 4 vào lúc 19 - 23 giờ nên về đến nhà là khoảng 1 giờ ngày hôm sau, rất nguy hiểm và bất tiện. Hôm nay, Bệnh viện hoàn thành việc sửa chữa tất cả các máy bị hư hỏng, bà được quay lại chạy ca 1 lúc 7 - 11 giờ, bà rất mừng.

“Các máy lọc máu được sửa chữa, bệnh nhân được xếp lịch lọc máu lại như bình thường, không phải đi lại đêm khuya nữa nên đỡ vất vả hơn. Chúng tôi cũng dễ dàng sắp xếp được công việc, có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian lọc máu”, bà Lan chia sẻ.

Bệnh viện Bà Rịa hiện có 59 máy lọc máu nhân tạo, trong đó có 48 máy chạy thường xuyên, 7 máy HDF Online và 4 máy dự phòng. Hầu hết những máy này đã sử dụng từ năm 2015, nay đến kỳ phải thay thế máy mới. Trước đó, vào tháng 11/2022, có 23 máy lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện bị hỏng đã phải tăng cường chạy từ 3 ca lên 5 ca lọc máu/ngày. Số máy đó đã được UBND tỉnh cấp kinh phí sửa chữa.

Đến tháng cuối tháng 4/2023 những máy còn lại chưa được sửa chữa, thay thế linh kiện tại thời điểm tháng 11/2022 cũng bị hỏng hàng loạt. Bệnh viện Bà Rịa phải tăng cường lọc thận nhân tạo từ 3 ca lên 4 ca lọc máu/ngày. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã bố trí hơn 2,3 tỷ đồng để sửa chữa các máy lọc thận bị hỏng hồi cuối tháng 4/2023 và đến nay mới hoàn tất việc sửa chữa.

Theo Bệnh viện Bà Rịa, do đặc thù các máy lọc máu nhân tạo có sử dụng hóa chất ăn mòn, hệ thống bơm để lưu dẫn máu trong hệ thống dây lọc máu và các thành phần hao mòn khác nên qua thời gian dài sử dụng, nhiều thành phần linh kiện nhanh bị hư hỏng. Những máy lọc máu nhân tạo tại Khoa Lọc máu được đưa vào hoạt động cùng một thời điểm từ 2015, hoạt động vượt xa thông số kỹ thuật do nhà sản xuất đưa ra và có lịch sử sửa chữa, khắc phục nhiều lần nên máy dễ bị hư hỏng và hư hỏng hàng loạt.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết thêm, để có sự ổn định lâu dài trong việc lọc máu nhân tạo tại Khoa Lọc máu, Bệnh viện đã có kế hoạch thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì định kỳ máy lọc máu nhân tạo để hạn chế việc hỏng hóc cũng như có kế hoạch thay thế thiết bị trong năm 2024 theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Với những máy đã đưa vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, căn cứ theo quy định hiện hành của Nhà nước, Bệnh viện sẽ có phương án dự phòng thay thế để đảm bảo việc lọc máu nhân tạo cho bệnh nhân được liên tục, không bị gián đoạn, không bị chuyển ca hay tăng ca.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Bệnh nhân nghi bị ngộ độc sữa tại Tiền Giang bị tổn thương đa cơ quan, phải lọc máu
Bệnh nhân nghi bị ngộ độc sữa tại Tiền Giang bị tổn thương đa cơ quan, phải lọc máu

Tối 16/10, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã thông tin về tình hình sức khỏe bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi uống sữa, trong vụ hai mẹ con tử vong do ngộ độc sau khi uống sữa tại Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN