Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng với vai trò định hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cả nước

Chiều 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là vùng trung tâm động lực phát triển lan tỏa tới các vùng kinh tế - xã hội khác. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của vùng đã được định vị trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia.

Vì vậy, Quy hoạch vừa mang tính kế thừa, trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển của vùng, vừa có sự đổi mới, đề xuất mang tính đột phá để bảo đảm tính kết nối, tạo sức mạnh tổng hợp toàn vùng, xác định những sản phẩm có tính chiến lược, cạnh tranh nhất; đồng thời giải quyết mối quan hệ với các quy hoạch, vùng kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch vùng phải mang tính liên ngành, liên vùng, trong nội vùng phải liên tỉnh, tránh xung đột, chồng chéo quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt gắn không gian và vùng địa lý.

Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý và cơ quan tư vấn xây dựng Quy hoạch, Phó Thủ tướng nêu rõ cần rà soát kỹ lưỡng hơn các lĩnh vực khoa học liên quan để quy hoạch có những những ý tưởng, sức sống tinh thần mới hơn cho vùng đồng bằng sông Hồng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Quy hoạch vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhấn mạnh việc đưa ra phương án phân bổ vùng trên cơ sở các Nghị quyết quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu cân nhắc chính xác các chỉ tiêu đặt ra, nhất là vấn đề diện tích đất đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên của vùng; đô thị xanh, đô thị sinh thái, tỷ lệ giao thông của một đô thị; kết nối vùng và kết nối đa chiều các vùng với nhau… Đô thị hóa chính là động lực phát triển kinh tế của vùng nên Quy hoạch cần hình thành các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, là trung tâm kết nối với quốc tế, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Với đặc thù của một vùng đồng bằng, có hệ thống mạng lưới sông nước chằng chịt, có Thủ đô Hà Nội, có biển, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt nhất trên cả nước... Quy hoạch cần được "tính toán phù hợp" để cùng với vùng Đông Nam bộ trở thành động lực "cất cánh" cho các vùng khác với vai trò tiên phong, đi đầu, tích cực đóng góp cho mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng gợi mở cần chú trọng phát triển kinh tế biển đặc sắc, là động lực để phát triển mục tiêu dài hạn, bền vững; đi đầu trong vấn đề chuyển đổi năng lượng; thay đổi tư duy khai thác thủy điện bền vững; chú trọng phân vùng môi trường. Quy hoạch cần nghiên cứu kỹ các phương thức giao thông khác nhau (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) về hiệu quả kinh tế - xã hội thu được khi hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, chuỗi giá trị thông qua kết nối nội vùng và liên vùng.

Quy hoạch phải duy trì những nét văn hóa tự nhiên, phát triển hiện đại nhưng phải khoanh định và không làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử tự nhiên, vùng bảo tồn văn hóa; phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững; giữ gìn văn hóa, giá trị lịch sử văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tại phiên họp, các ủy viên phản biện đề nghị Quy hoạch cần làm rõ hơn những thế mạnh của vùng có mật độ dày đặc các khu, cụm kinh tế; đa dạng di sản văn hóa, thiên nhiên vật thể, phi vật thể trong phát triển du lịch; tiềm năng rất lớn về kinh tế biển; nơi có Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước...

Các ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong thí điểm mô hình phát triển, các cơ chế, chính sách mới, phấn đấu đến năm 2030, vùng động lực đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao. Quy hoạch cần có giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để giải quyết những thách thức lớn trong liên kết phát triển của vùng như chưa tạo ra chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; chia sẻ và sử dụng nguồn nước chưa bền vững; chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc sông Hồng; tắc nghẽn giao thông và ngập úng, ô nhiễm không khí, nguồn nước; thiếu không gian phát triển bền vững, nhiều địa phương tăng trưởng phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...

Các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng trên cơ sở hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, dịch chuyển các ngành sử dụng nhiều lao động ra khỏi vùng động lực và cực tăng trưởng mới, hình thành chuỗi liên kết điểm đến du lịch…

Theo báo cáo tại Hội nghị, mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực số của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao…

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng bình quân khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 11.000-12.000 USD/người. Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục đi đầu cả nước về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Các ngành công nghiệp phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mới, công nghệ cao và chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, dịch vụ, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, người dân nông thôn có mức sống cao, có điều kiện sống ngang với các đô thị văn minh…

Diệp Trương (TTXVN)
Quy hoạch vùng Tây Nguyên phát triển bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa
Quy hoạch vùng Tây Nguyên phát triển bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa

Chiều 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN