Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Để lại nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ sau

Bên hành lang Quốc hội, sáng 29/3, nhiều đại biểu đánh giá, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội khóa XIV và Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã để lại một nền tảng vững chãi cho các khóa tiếp theo.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Công Nhường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

"Những luật này đi vào cuộc sống, là nền tảng phát triển trong thời gian tới" - đại biểu Lê Công Nhường đánh giá.

Bên cạnh đó, phương thức chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng năng động, chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận; chuyển từ Quốc hội sử dụng văn bản giấy sang Quốc hội điện tử; hình thức họp Quốc hội linh động hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

"Đây là những nền tảng mà Quốc hội khóa XIV để lại, mong muốn các nhiệm kỳ sau tiếp tục phát huy, nhất là áp dụng công nghệ thông tin hơn nữa, đẩy mạnh việc tranh luận tại Quốc hội với mục tiêu cuối cùng là lợi ích của dân tộc, nhân dân" - đại biểu Lê Công Nhường bày tỏ.

Cũng đánh giá về vấn đề này, đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, thông qua chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ qua cho thấy Quốc hội thể hiện tinh thần chất vấn đến cùng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân gửi gắm đến Quốc hội.

"Bên cạnh đó, việc phát biểu, tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm sáng tỏ những vấn đề, tập trung được trí tuệ, qua đó thể hiện sự dân chủ, minh bạch" - đại biểu nhấn mạnh. 

Đại biểu Y Khút Niê kỳ vọng, trong nhiệm kỳ tới, mỗi đại biểu Quốc hội đáp ứng về đạo đức, trình độ năng lực, am hiểu sâu từ thực tiễn cho đến về lý luận, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ. 

Về những kết quả quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Y Khút Niê đánh giá, việc sửa đổi, điều chỉnh các dự án luật chính xác và có tính tích hợp hơn, sẽ giúp việc triển khai luật thuận lợi trong thực tiễn.

Đại biểu cũng đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã ra được Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đại biểu, trước đây chúng ta có trên 160 chương trình, chính sách liên quan đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng áp dụng còn rải rác, lại không đủ nguồn lực để triển khai. Do đó, Nghị quyết 88 là nền tảng rất quan trọng.

Cũng theo đại biểu Y Khút Niê, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã phát huy tiềm lực và niềm tin trong nhân dân; nguồn thu ngân sách ngày càng tốt hơn. "Đây là những nền tảng rất vững chắc. Trước đây chúng ta đề ra nhiều chính sách nhưng lại thiếu nguồn lực nên triển khai còn thiếu hiệu quả. Hiện nguồn lực đi trước, từ đó đề ra chính sách. Đây là vấn đề mang tính đổi mới. Chúng ta hiện có nhiều nguồn lực từ Nhà nước, nguồn vốn trong và ngoài nước từ doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư" - đại biểu cho biết.

Đại biểu mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội phát huy chức năng giám sát tối cao, nhất là những vấn đề bức thiết với người dân; chất vấn và trả lời chất vấn, tranh luận giữa các đại biểu để làm sáng tỏ các vấn đề, phát huy tinh thần dân chủ, minh bạch, trách nhiệm.

Đánh giá về nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Y Khút Niê cho rằng, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ đã tập trung trí tuệ, nhạy bén trong điều hành đất nước; sâu sát, nắm bắt được những vấn đề đời sống của nhân dân và triển khai kịp thời những luật, nghị quyết mà Quốc hội ban hành.

"Có sâu sát, gắn bó mới nhân dân mới phát hiện được những vấn đề phát sinh, những vướng mắc trong quá trình triển khai để đề ra giải pháp kịp thời. Nhiều chủ trương, chính sách tốt, nhưng không có giải pháp triển khai tốt thì không thể thành công" - đại biểu phân tích. 

Bên cạnh đó, đại biểu mong muốn, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, điều chỉnh tốt hơn các nguồn lực quốc gia cho các dự án và các địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Xuân Tùng (TTXVN)
Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ
Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ

Sáng 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN