Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cạo đi bộ ria gây tranh cãi

Lấy lý do cảm thấy vướng víu khi để ria trong lúc đeo khẩu trang như một phương pháp phòng dịch COVID-19, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đã quyết định cạo đi bộ ria gây tranh cãi bấy lâu nay.

Chú thích ảnh
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris trước và sau khi cạo ria. Ảnh: RT

Theo hãng CNN, đăng tải đoạn video ghi lại quá trình cạo ria trên trang mạng Twitter, Đại sứ Harris cho biết ông đã nhờ một thợ cắt tóc ở thủ đô Seoul cạo ria cho mình sau khi cảm thấy không thoải mái vì phải đeo khẩu trang trong thời tiết nóng ẩm tại đây.

“Với sự giúp đỡ của Cố vấn Cấp cao @sykimsy, Đại sứ Harris đã tới thăm một cửa tiệm cắt tóc địa phương và trở nên ‘ngầu hơn’ trong những tháng hè nắng nóng”, nội dung chú thích kèm theo đoạn video (xem video dưới):

Sau khi có một gương mặt trẻ trung hơn, Đại sứ Harris đã đăng tải một dòng trạng thái vui vẻ: “Rất hài lòng khi tôi đã làm việc này. Đối với tôi, hoặc là giữ lại bộ ria hoặc là không dùng khẩu trang. Mùa hè tại Seoul rất nóng và ẩm, điều đó gây ra khó chịu khi tôi vừa để ria vừa đeo khẩu trang”.

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến tối ngày 27/7, số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã vượt quá 14.000 ca, trong đó có ít nhất 299 trường hợp tử vong. Đeo khẩu trang, xét nghiệm và theo dõi những mối quan hệ tiếp xúc gần là một số biện pháp quan trọng mà Hàn Quốc áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Tháng 7/2018, ông Harris được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Bộ ria của ông đã phải nhận làn sóng chỉ trích từ một bộ phận nhỏ trong xã hội Hàn Quốc. Theo những người phản đối, bộ ria của Đại sứ Harris khiến họ liên tưởng tới những nhà toàn quyền đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Vào thời đó, cựu Thiên hoàng Hirohito và Tướng Hideki Tojo đều để ria mép.

Chú thích ảnh
Tướng Nhật Bản Hideki Tojo trong Chiến tranh Thế giới thứ II để ria mép. Ảnh: CNN

Đại sứ Harris được sinh ra tại Nhật Bản, có mẹ là người Nhật Bản và  bố là người Mỹ. Nguồn gốc của ông cùng với bộ ria cũng đã nhiều lần bị lôi ra chỉ trích.

Tuy nhiên, Harris khẳng định mình là công dân Mỹ và cho rằng không nên lấy nguồn gốc của ông ra để chỉ trích.

“Tôi hiểu mối thâm thù trong lịch sử hai nước, nhưng tôi không phải là Đại sứ Mỹ Nhật tại Hàn Quốc, tôi là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc”, ông Harris trả lời phỏng vấn báo Korea Times hồi tháng 12/2019.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Mỹ thất bại khi làm cầu nối hóa giải bất đồng Nhật-Hàn
Mỹ thất bại khi làm cầu nối hóa giải bất đồng Nhật-Hàn

Trong cuộc gặp ba bên đại diện ngoại giao Mỹ-Hàn-Nhật bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không thể trở thành mắt xích hòa giải hai đồng minh ở Đông Bắc Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN