Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đối thoại với người dân cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã gặp gỡ, đối thoại với người dân nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Buổi đối thoại có sự tham gia của các ngành chức năng tỉnh và hàng trăm người dân vùng dự án.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Long Thành nêu ý kiến tại buổi đối thoại. 

Tại buổi đối thoại, người dân bày tỏ đồng tình, ủng hộ dự án, mong muốn chính quyền sớm thực hiện giải phóng mặt bằng để họ ổn định cuộc sống. Người dân đề nghị, khi thu hồi đất, ngành chức năng áp giá bồi thường sát với giá thị trường, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. Về vấn đề tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án rất chậm, dù cao tốc đã khởi công gần 3 tháng, nhưng đến nay người bị thu hồi đất vẫn chưa biết chỗ ở. Thông tin về diện tích lô đất, hệ thống hạ tầng khu tái định cư người dân chưa nắm được.

Ông Nguyễn Cao Nam (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, trong phạm vi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nhiều gia đình các thế hệ cùng chung sống; xây nhà trên đất nông nghiệp; sinh sống lâu năm nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân mong cơ quan chức năng thông tin về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những trường hợp này.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km, từ Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km. Để triển khai dự án, tỉnh phải thu hồi đất của khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó, có khoảng 1.800 hộ cần bố trí tái định cư. Tỉnh đang kiểm đếm đất đai, tài sản, dự kiến tháng 12 năm nay sẽ đồng loạt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai chậm, các khu tái định cư phục vụ dự án chưa được xây dựng,

Chú thích ảnh
Người dân tìm hiểu về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. 

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, khi thu hồi đất của các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất đủ điều kiện nhưng do nằm trong vùng quy hoạch nên không thể cấp Giấy), Nhà nước vẫn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như các hộ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với đất đồng sở hữu, nếu các phần đất có diện tích rõ ràng, Đồng Nai sẽ bồi thường cho từng hộ, trường hợp đồng sở hữu không xác định rõ diện tích, người dân tự thỏa thuận, thống nhất và cử đại diện, ngành chức năng sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ qua đầu mối là người đại diện. Đồng Nai đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền tạm cư, sau khi nhường đất cho Nhà nước, nếu người dân vẫn chưa có chỗ ở mới, được hỗ trợ tiền thuê trọ, mức hỗ trợ từ 3 triệu đồng/hộ/tháng đến 4 triệu đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa là 5 tháng.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai khẳng định, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án trọng điểm quốc gia, song chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn thực hiện như các dự án khác, không có cơ chế đặc thù. Ở Đồng Nai, do yếu tố lịch sử, đông lao động nhập cư, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, tỉnh quy định, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có nhà ở bị giải tỏa (nhà xây dựng trước ngày 1/7/2014 mà không bị xử phạt hành chính) và không còn chỗ ở nào khác sẽ được bố trí tái định cư. Những hộ bị thu hồi diện tích đất thổ cư lớn sẽ được xem xét cấp hai lô tái định cư.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi đối thoại. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, buổi đối thoại là để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua đối thoại, ngành chức năng sẽ có giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi, chăm lo cho cuộc sống của người dân nhường đất phục vụ cao tốc. Người dân vùng dự án cần nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đồng lòng, ủng hộ vì sự phát triển chung.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các đơn vị phối hợp đẩy nhanh kiểm đếm đất đai, tài sản tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc kiểm đếm phải chính xác, đúng quy định pháp luật. Thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, sớm xây dựng khu tái định cư phục vụ người dân. Khu tái định cư cần làm nhanh nhưng phải bảo đảm chất lượng với hệ thống hạ tầng hiện đại, đầy đủ như đường, trường học, trạm y tế để người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các thông tin liên quan đến dự án cho người dân biết, đồng thời nghiên cứu lập văn phòng thông tin và tiếp nhận thông tin về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm xử lý, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm, tiêu cực trong quá trình giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Nếu phát hiện vi phạm phải lập tức xem xét trách nhiệm, xử lý ngay. Đồng thời, phối hợp giải quyết những vướng mắc, không để phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự.

Tin, ảnh: Công Phong (TTXVN)
Lo vướng mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Lo vướng mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km), được chia thành 3 dự án thành phần (Dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư) sau 3 tháng thi công, đến thời điểm này vẫn "ì ạch" tiến độ do chưa có mặt bằng sạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN