Cao Bằng: Cần giảm 7-8% số người hưởng lương từ ngân sách

Ngày 10/12, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng về công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc. 

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng, giai đoạn 2016-2021, tỉnh Cao Bằng đã cụ thể hóa và thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về quản lý biên chế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo đó, năm 2021, tỉnh được giao tổng số biên chế khối Đảng là 1.147 biên chế (giảm 128 biên chế, đạt 10,04% so với năm 2015). Khối chính quyền, biên chế hành chính là 2.071 người (giảm 236 người, đạt 10,23% so với năm 2015); số biên chế viên chức là 16.041 người; tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 3.684 người. Tỉnh đã phê duyệt thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với 1.372 trường hợp thuộc đối tượng quy định.

Về sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, ở cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện giảm 1 đơn vị, 24 phòng chuyên môn trực thuộc (giảm 17 phòng, đạt 41,5%); giảm 12 ban và tương đương trực thuộc cơ quan chuyên trách Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; giảm 10 tổ chức đơn vị trực thuộc cấp huyện; giảm 10/74 vị trí lãnh đạo các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 104/348 vị trí lãnh đạo các phòng, ban và tương đương…

Tỉnh cũng giảm 95 tổ chức bên trong thuộc các sở, ban, ngành (đạt 25,1%) thuộc khối chính quyền; giảm 20/145 vị trí lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố; giảm 200 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền địa phương.

Giai đoạn 2022-2026, Tỉnh ủy Cao Bằng đề xuất giữ nguyên số biên chế công chức được Trung ương giao năm 2021; giảm 10% vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế và sự nghiệp kinh tế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; giữ nguyên biên chế thuộc nhóm vị trí việc làm lãnh đạo quản lý, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực khác do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên... 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện thành công việc đổi mới sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo sự đồng thuận trong toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác quản lý bộ máy và tinh giản biên chế…

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Nội vụ với Tỉnh uỷ Cao Bằng về công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026. 

Bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tỉnh Cao Bằng khẩn trương giải quyết dôi dư đối với biên chế hiện nay, đặc biệt là công chức, viên chức cấp xã; có hình thức động viên, khuyến khích những cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức đã có nhiều cống hiến, đóng góp trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế… Tỉnh cũng cần quan tâm giải quyết những vấn đề tồn đọng, hoàn thiện chính sách để giải quyết việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất sau sáp nhập huyện, xã; rà soát, đánh giá việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và xác định nhu cầu biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở sắp xếp vị trí việc làm...

Bà Phạm Thị Thanh Trà lưu ý Cao Bằng phải xây dựng chương trình, đề án về tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục và y tế; thực hiện tự chủ khoảng 10% đối với ngành giáo dục; ngành y tế thì chủ động đẩy mạnh tự chủ ở các bệnh viện tuyến huyện. Việc tự chủ sẽ giúp Cao Bằng để có thêm điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tỉnh Cao Bằng từ năm 2022 giữ nguyên biên chế công chức và viên chức hiện có; từ nay đến năm 2026, giảm 7-8% số người hưởng lương từ ngân sách để tỉnh có nguồn thực hiện hợp đồng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Tỉnh cũng cần lưu ý, giảm số lượng nhưng phải tăng biên chế cho ngành cần biên chế, căn cứ vào nhu cầu thực tế thiếu biên chế của các ngành trong đó có ngành giáo dục.

Tin, ảnh: Chu Hiệu (TTXVN)
Các mức hưởng lương hưu được bù ra sao khi hưởng dưới 2,5 triệu đồng?
Các mức hưởng lương hưu được bù ra sao khi hưởng dưới 2,5 triệu đồng?

Bạn đọc hỏi: Bố mẹ tôi là công nhân về hưu trước năm 1995 và có mức lương hưu thấp. Bố tôi có mức 2,31 triệu đồng còn mẹ tôi có mức 2,1 triệu đồng. Vậy từ năm sau, mức hưởng lương hưu của bố mẹ tôi được điều chỉnh như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN