Cua nuôi chết hàng loạt tái diễn tại Cà Mau

Ngày 4/4, Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau xác nhận, tình trạng cua chết diễn ra khoảng một tháng nay. Đồng thời, mức độ thiệt hại ngày càng tăng so với thời điểm xuất hiện, tỷ lệ từ 20-30% trên tổng số cua thu hoạch, cá biệt có những hộ thiệt hại tới 60-70%.

Chú thích ảnh
Một con cua chết ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau). Ảnh: dantri.com.vn

Cụ thể, theo ông Nguyễn Nghi Lễ, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, qua tìm hiểu, rà soát nắm bắt thông tin từ bà con nông dân cho thấy tình hình cua nuôi đã có xuất hiện dấu hiệu bệnh và chết rải rác ở một vài hộ trên địa bàn các xã từ tháng 12/2022 với mức độ thiệt hại thấp nên sản lượng thu hoạch vào thời điểm này đạt khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây (khoảng đầu tháng 3/2023) thì dấu hiệu cua bệnh và chết có chiều hướng tăng hơn so với trước, hầu hết ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 6.400 ha.

Theo nhận định ban đầu của ngành chuyên môn, sau khi bị nhiễm bệnh, cua có dấu hiệu chạy vô lú (dụng cụ bắt thủy sản) nhiều hơn trước. Bên cạnh đó, cua hoạt động chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt (hồng), mai đóng rong, bám bẩn. Bắt cua lên tách ra trong mang có ký sinh trùng bám (tỷ lệ từ 5-10% số cua tách). Trọng lượng cua ra cống và bệnh, chết nhiều từ 100-200 g/con. Sau khi bị bệnh, cua vẫn sống được từ 2 - 3 ngày nhưng chất lượng thịt giảm dần.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Nghi Lễ cho biết, huyện đang phối hợp các ngành chức năng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo cán bộ kỹ thuật các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng thực hiện các biện pháp phòng bệnh trên cua của ngành chuyên môn, cũng như tiếp tục thống kê, rà soát và theo dõi sát tình hình để báo cáo kịp thời.

Qua phân tích ban đầu, tình trạng này có nhiều biểu hiện tương tự như đã xảy ra vào những năm trước đây. Đặc biệt, như vào mùa khô năm 2021 và 2022, cua biển nuôi ở Năm Căn và một số huyện trong tỉnh Cà Mau cũng chết hàng loạt. Qua phân tích nguyên nhân, ngành chức năng xác định cua chết do nhiễm ký sinh trùng Sacculina.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có giải pháp phòng ngừa cũng như đặc trị đối với mầm bệnh này. Do đó, ngành chức năng tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại như nhanh chóng thu hoạch dứt điểm lượng cua trong vuông tôm và không thả con giống mới; tăng cường men vi sinh, ổn định môi trường; chủ động nuôi con giống ở khu vực riêng để nối vụ...

Từ lâu, huyện Năm Căn được xem là “thủ phủ” của cua Cà Mau, không chỉ có diện tích canh tác lớn với khoảng 20.500 ha nuôi cua kết hợp trong vuông tôm, cho sản lượng 5.000 - 6.000 tấn mỗi năm mà còn vì chất lượng cua nuôi thương phẩm tại đây đều được đánh giá ở mức rất cao, thuộc top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.

Vào năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Cà Mau: Khẩn trương xác minh nguyên nhân khiến cua chết bất thường
Cà Mau: Khẩn trương xác minh nguyên nhân khiến cua chết bất thường

Ngày 22/3, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nguyên nhân khiến cua chết bất thường xảy ra tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển đang được cơ quan chuyên môn khẩn trương xác minh, làm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN