Đắk Lắk hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk nhận được 6.000 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có khoảng 4.200 người là lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố khác nghỉ việc, chuyển về địa phương xin giải quyết chế độ. Trung tâm đã ban hành 5.700 quyết định hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (gồm số người đã tiếp nhận hồ sơ năm 2022), với số tiền chi trả 90 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Số lao động giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp nhiều nhưng tham gia đào tạo nghề đạt tỷ lệ thấp. 

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài tư vấn về quyền lợi, hưởng trợ cấp hàng tháng, Trung tâm còn tư vấn hỗ trợ học nghề cho lao động đến giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, số lao động giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp nhiều nhưng tham gia đào tạo nghề đạt tỷ lệ thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã cung cấp thông tin tư vấn học nghề cho 6.000 người nhưng chỉ hỗ trợ học nghề được cho 96 người, với số tiền 582 triệu đồng.

Nhu cầu học nghề của người lao động tại Đắk Lắk chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hầu hết là lao động phổ thông, sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp, họ thường kiếm sống bằng công việc khác trước khi tìm được việc làm mới nên không mặn mà với việc học nghề. Không những vậy, không ít lao động chỉ quan tâm quyền lợi trước mắt là nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp mà không nghĩ đến các quyền lợi liên quan, trong đó có chính sách hỗ trợ học nghề.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân phải kể đến là do ngành nghề đào tạo chưa đa dạng. Mặc dù Trung tâm đã liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề tìm kiếm ngành nghề đào tạo, tuy nhiên các ngành nghề chưa phong phú, thời gian học chủ yếu vào giờ hành chính nên gặp nhiều khó khăn. Những ngành nghề người lao động muốn học lại chưa có cơ sở đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Văn Cường thông tin thêm, Trung tâm cũng phối hợp các cơ sở dạy nghề, đưa thông tin dạy nghề đến với người lao động. Đối với những ngành nghề người lao động quan tâm, Trung tâm liên hệ, tư vấn trực tiếp. Hiện nay, lĩnh vực, ngành nghề như nấu ăn, làm đẹp, học lái xe… được người lao động quan tâm. Về học lái xe, Trung tâm ký biên bản với các đơn vị đào tạo, lập bản ghi nhớ, hàng tháng sẽ đi kiểm tra tình hình. Với những ngành nghề tỉnh Đắk Lắk chưa có cơ sở đào tạo, Trung tâm liên kết với Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo nhằm giúp lao động thất nghiệp có cơ hội lựa chọn học nghề phù hợp,

Nhằm nâng cao hiệu quả, hỗ trợ việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk triển khai nhiều biện pháp như, vào thứ Hai hàng tuần, Trung tâm tổ chức buổi tư vấn chuyên đề riêng, mời công ty đến tư vấn trực tiếp cho người lao động nắm thông tin; thiết kế sổ tay nghiệp vụ, băng rôn, tờ rơi, đăng tải thông tin trên trang xã hội như Zalo, Facebook… các trang thông tin của Trung tâm. Tháng 5 vừa qua, Trung tâm ra mắt “Ứng dụng quét mã QR thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm”.

Dựa trên nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk sẽ cung cấp thông tin tuyển dụng chi tiết, thị trường lao động, tư vấn học nghề… từ đó đảm bảo truyền tải thông tin thuận lợi, nhanh chóng, phù hợp.

Tin, ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Khảo sát thực tế và đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động mất việc
Khảo sát thực tế và đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động mất việc

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có khoảng 294.000 người lao động bị giãn việc, hơn 149.000 lao động bị mất việc. Số lao động bị giãn việc giảm, nhưng số mất việc lại tăng, tập trung nhiều ở địa phương trọng điểm công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN