Đắk Nông gắn chi trả dịch vụ môi trường rừng với quản lý, bảo vệ rừng

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho bà con nhân dân trên địa bàn, mà còn trực tiếp nâng cao hiệu quả chăm sóc quản lý và bảo vệ rừng.

Chú thích ảnh
Bộ đội trồng, chăm sóc rừng tại thao trường Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Giải ngân 639 tỷ đồng cho các đơn vị chủ rừng

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được xác định đã góp phần trực tiếp làm giảm diện tích thiệt hại, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua. Bình quân trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Đắk Nông giảm 17% số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 26% diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng. Nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang từng bước trở thành một nguồn tài chính ổn định, dành riêng cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương.

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông thực hiện phân bổ vốn cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã giải ngân cho các chủ rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2012 - 2021 là hơn 639 tỷ đồng. Trung bình mức chi trả khoảng 694.000 đồng/ha (rừng quy đổi) và và đã chi trả cho 48 đơn vị chủ rừng là tổ chức, 11 chủ rừng là cộng đồng dân; 97 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; và 31 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. 

Số tiền từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng hỗ trợ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, nhất là các công ty lâm nghiệp, có kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Nguồn kinh phí này cũng giúp cộng đồng dân cư thôn, bon, buôn… tại các địa phương có thêm nguồn tài chính để đóng góp vào các chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ban quản lý rừng.

Việc hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức cũng như người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị, địa phương đã chủ động về nguồn tài chính hàng năm để triển khai hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển diện tích rừng mới. Các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét các cá nhân, tổ chức, đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm Luật lâm nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông: Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các đơn vị, sử dụng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng... trong những năm công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể, các chủ rừng đã chủ động, tích cực trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Việc này đã góp phần trực tiếp giảm thiểu các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng.

Chú thích ảnh
Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một ưu tiên của tỉnh Đắk Nông.

Điều phối vì nhiệm vụ chung

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các đơn vị chủ rừng tham mưu và được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của Nhà nước cho giao khoán quản lý bảo vệ rừng năm 2021.

Cụ thể, đối tượng điều tiết là bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Áp dụng mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020. Tổng diện tích rừng điều tiết gần 71.000ha, tương ứng với hơn 65.500ha rừng quy đổi. Mức điều tiết giao động từ hơn 24.000 – hơn 200.000 đồng/ha (rừng quy đổi). Tổng số tiền điều tiết hơn 9,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đối tượng được điều tiết là bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Sêrêpốk. Tổng diện tích rừng được điều tiết gần 70.000ha, tương ứng với gần 66.000ha rừng quy đổi. Mức được điều tiết hơn 146.000 đồng/ha (rừng quy đổi). Tổng số tiên được điều tiết bằng số tiền điều tiết, tức hơn 9,6 tỷ đồng.

Quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các đơn vị được điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng phải quản lý, sử dụng kinh phí được điều tiết theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phải đảm bảo nội dung chi phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đơn vị; đảm bảo định mức chi theo quy định của pháp luật; thực hiện quyết toán tiền dịch vụ môi trường rừng và báo cáo kết quả cho các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Chú thích ảnh
Rừng bán ngập trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng hỗ trợ kinh phí khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với các đơn vị chủ rừng không tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng, không có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 60/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông quy định về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tổng diện tích được hỗ trợ theo diện này hơn 50.000ha, thuộc lâm phần của 3 đơn vị chủ rừng, bao gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Wil; Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Đại Thành, và Ban Quản lý rừng phòng hộ vành đai biên giới.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, việc điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng hai lưu vực sông Đồng Nai, Sêrêpốk và chính sách hỗ trợ kinh phí khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với các đơn vị không có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần chia sẻ các khó khăn của các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Hai chính sách này đã khuyến khích kịp thời hơn các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Việc thực hiện các chính sách này thời gian quan luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như nhiều đơn vị, cá nhân liên quan, nhất là trong bối cảnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng đang ngày càng quan trọng, thậm chí là vấn đề sống còn đối với nhiều đơn vị chủ rừng hiện nay.

Chú thích ảnh
Kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trực tiếp góp phần phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng tại Đắk Nông .
Hoàng Duyên – Hưng Thịnh
Đắk Nông thực hiện giám sát công tác trồng rừng thay thế
Đắk Nông thực hiện giám sát công tác trồng rừng thay thế

Thực hiện quy định tại thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn giám sát công tác trồng rừng thay thế đối với các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án trồng rừng thay thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN