Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Sản phẩm OCOP của Hậu Giang nhận được nhiều sự quan tâm khi đưa đi trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: baohaugiang.com.vn

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, Hậu Giang tập trung xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản phẩm nông nghiệp, du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo; trong đó, nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực tỉnh Hậu Giang đang tập trung phát triển. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và các chính sách liên quan để phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản, đặc sản và sản phẩm OCOP của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có khoảng 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn đang hình thành và phát triển. Trong đó, một số địa điểm nổi tiếng đã thu hút khách tham quan như Khu du lịch Mùa Xuân, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, Vườn dâu Thiên Ân, điểm tham quan du lịch Bamboo Graden… Tỉnh có 175 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 68 sản phẩm 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao; các sản phẩm đang tạo được sức hút trên thị trường và được tăng cường gắn kết với các điểm du lịch để quản bá, giới thiệu đến du khách.

Để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo điều kiện, giới thiệu các nhà đầu tư, các công ty du lịch đến Hậu Giang khảo sát thị trường, gặp gỡ các cơ sở du lịch nông nghiệp - nông thôn để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, mở rộng thị trường. Qua đây, từng bước giúp cho tỉnh phát triển mạnh hơn các hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Theo kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 3 - 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Tiếp tục ra soát, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn. Quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương đến khách tham quan tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Du lịch nông nghiệp Tiền Giang hấp dẫn du khách
Du lịch nông nghiệp Tiền Giang hấp dẫn du khách

Nằm ở khu vực sông Tiền, Tiền Giang là tỉnh có nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn nhờ mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đa dạng về tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn; trên 80.000 ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN