Đồng Nai hướng đến xây dựng công nghiệp xanh

Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm để hướng tới phát triển ngành công nghiệp xanh. Để thực hiện tốt công tác này, tỉnh ưu tiên chọn các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp Đồng Nai đã đầu tư công nghệ xử lý nước thải hiện đại trước khi thải ra môi trường. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Áp lực bảo vệ môi trường

Đồng Nai hiện là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, với hàng nghìn dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hiện đại. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, Đồng Nai là tỉnh có nhiều KCN lớn nhất trên cả nước. Tính đến nay, tỉnh có 63 KCN và CCN đang hoạt động, thu hút đông đảo sự quan tâm từ các nhà đầu tư, người lao động. Việc xây dựng và phát triển các KCN, CCN tập trung đã giúp tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc có nhiều KCN, CCN trên địa bàn cũng đã tạo áp lực lớn về vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trung bình mỗi ngày, 32 KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 100.000 m3 nước thải, trong đó khoảng 85.500 m3 được thu gom xử lý, chiếm tỷ lệ 85%. Số còn lại là doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp, số ít doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN. Ngoài ra, tỉnh có gần 31 CCN được xây dựng và quy hoạch, nhiều cụm dù chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều doanh nghiệp thứ cấp đầu tư nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm là việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại hầu hết các KCN, CCN còn nhiều vướng mắc.

Cụ thể, trong các CCN được quy hoạch, chỉ có 11 cụm có thực hiện các thủ tục về môi trường, trong đó mới chỉ có 2 cụm đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và 1 cụm đang đầu tư xây dựng. Ngoài ra, tỉnh có 184 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động và đang xây dựng tại 16 CCN nhưng chỉ có khoảng 47% số dự án thực hiện thủ tục môi trường. Con số này khá khiêm tốn.

Theo các cơ quan chức năng Đồng Nai, sỡ dĩ công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế là do việc thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Một số KCN, CCN được hình thành trên cơ sở khoanh vùng các khu vực đã tồn tại nhiều cơ sở hoạt động hiện hữu, dẫn đến sau khi được thành lập mới, vấn đề quy hoạch đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và thoát nước mưa rất khó khăn. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN hầu hết đều có quy mô nhỏ, việc xử lý chất thải rắn và đầu tư hệ thống xử lý khí thải chưa được quan tâm. Đầu tư hệ thống xử lý và hệ thống thu gom nước thải của cả KCN, CCN cũng hạn chế. Do đó, bên cạnh ô nhiễm về nước thải, nhiều KCN, CCN còn bị ô nhiễm nặng về chất thải rắn và khí thải công nghiệp.

Kiểm soát nguồn thải

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành luôn chủ động giám sát, theo dõi việc tuân thủ quy định ở các cơ sở sản xuất có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp.

Đặc biệt, vài năm gần đây, tỉnh Đồng Nai không chọn thu hút đầu tư từ nước ngoài ồ ạt mà ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh
Các kỹ thuật viên kiểm tra nguồn nước thải tại trạm Nhà máy xử lý nước thải tập trung Đồng Nai.

“Hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra về môi trường đối với các doanh nghiệp trong các KCN, CCN và đa phần doanh nghiệp tại đây đều có ý thức tuân thủ pháp luật môi trường; chỉ một vài doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế, lén lút chôn lấp chất thải, xả nước và khí thải ra môi trường. Các trường hợp này đã được phát hiện và xử phạt, thậm chí lập hồ sơ truy tố để tăng tính răn đe”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết.

Sau khi triển khai nhiều giải pháp, tính đến nay, tỉnh đã có 31/31 KCN đang hoạt động đã có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường. Trong đó, 25 KCN đã được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Sắp tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát nguồn thải, tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, nâng cấp vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 100% nước thải công nghiệp được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để hướng đến nền công nghiệp xanh, tỉnh đã ưu tiên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại và gắn với công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, KCN Amata (thành phố Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của cả nước được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu. Mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh. Đối với các KCN, CCN khác, tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Đối với Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tỉnh yêu cầu cần nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hiện hữu tích cực thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường.

Riêng đối với các CCN, để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường nhằm hướng tới 100% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đối với việc chỉnh trang hệ thống kỹ thuật chung CCN, nhà nước hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án được duyệt, nhưng không quá 50 tỷ đồng/cụm. Hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung CCN thì được hỗ trợ 20 tỷ đồng đối với cụm có diện tích trên 30 ha và 15 tỷ đồng đối với cụm có diện tích dưới 30 ha.

Riêng vấn đề hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN thì chủ đầu tư sẽ được hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong cụm được duyệt, nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng của chương trình này là các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là cơ quan nhà nước được ủy quyền hoặc chủ đầu tư hạ tầng CCN khác mà chưa được hưởng kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đồng Nai khai thác thế mạnh du lịch sinh thái và vườn cây ăn trái
Đồng Nai khai thác thế mạnh du lịch sinh thái và vườn cây ăn trái

Với nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng, gần đây Đồng Nai là điểm tham quan du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đánh giá được tiềm năng này, tỉnh đang tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN