Đông Nam Bộ tạo lực hút đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao

Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với vị trí chiến lược quan trọng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, các địa phương trong vùng đang tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển.

Lợi thế thu hút FDI

Chú thích ảnh
Trạm phát điện trong Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh (tư liệu): Hồng Đạt/TTXVN

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút FDI với hơn 1,52 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, chiếm tới 16,4% tổng vốn FDI cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ về lợi thế địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân hiền hòa, mến khách và lực lượng lao động chất lượng.

Theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp với diện tích 16.052 ha và đất khu công nghiệp phân bổ chỉ tiêu sử dụng là 10.755 ha. Ngoài 13 khu công nghiệp đang hoạt động, tỉnh có Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 2 khu công nghiệp đang làm thủ tục đầu tư, 7 khu công nghiệp vừa được thêm vào quy hoạch.

Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh Nobuyuki Matsumoto cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương mà JETRO khuyên doanh nghiệp nên đến đầu tư. Địa phương này có nhiều lợi thế như cảng Cái Mép Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành (đang xây dựng); giàu tài nguyên dầu khí và có kho tiếp nhận LNG, cung cấp điện ổn định; nằm kế cận Đồng Nai và Bình Dương - hai địa phương có nhiều nhà máy đảm bảo cung cấp cho chuỗi cung ứng.

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai được coi như "thỏi nam châm" hút các nhà đầu tư, nhất là các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới khi có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong vài năm tới trên địa bàn, như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, Đồng Nai đang tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, logistics. Tỉnh thực hiện ưu đãi, hỗ trợ các chính sách cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao,… Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đang quan tâm đến vấn đề môi trường, nên các dự án phải được sàng lọc về môi trường không để như trước đây. Xu hướng đầu tư mới sắp tới cũng sẽ thay đổi, lực lượng lao động được chọn lọc cũng phải có chất lượng.

Trong bối cảnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ trong thu hút FDI, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự chững lại sau nhiều năm đạt kết quả cao. Theo đó, thu hút FDI vào Tp. Hồ Chí Minh trong quý I/2024 chỉ đạt 459,7 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ; còn Bình Dương cùng giai đoạn đạt 158,3 triệu USD, giảm 36,1% so với cùng kỳ.

Thực tế, sau nhiều năm thu hút được các tập đoàn lớn, quỹ đất công nghiệp ở Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh dần bị thu hẹp, các khu công nghiệp mới chưa xây dựng. Đáng kể như Bình Dương sau khi thu hút được Dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego vốn FDI tăng vọt, nhưng những năm sau đó không thu hút được dự án lớn, nên số vốn FDI đang giảm khá mạnh.

Nhiều động lực thu hút

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, ngoài việc duy trì các chỉ số, phần việc đã làm tốt, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số như PCI, PAPI, PAR-index ngày càng tốt hơn nữa.

Định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51. Cùng với đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ…

Dựa trên vùng chức năng được xác định rõ, ngoài hai khu công nghiệp tại thành phố Vũng Tàu (Đông Xuyên và Dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển khu công nghiệp của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức. Các khu công nghiệp trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học,…

Tại tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, tỉnh công nghiệp Đồng Nai cần sự đồng hành và cũng phải đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp FDI, trong vấn đề thay đổi công nghiệp từ lạc hậu, ô nhiễm sang hiện đại, áp dụng chuyển đổi số. Tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net Zero 2050".

Hiện nay, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Nhằm khai thác những cơ hội mới, nhất là ngay sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một loạt nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia, tỉnh Bình Dương đã tích cực, chủ động sang các quốc gia này để mời gọi đầu tư, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa Bình Dương và địa phương, doanh nghiệp các nước.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh luôn bám sát, thực hiện tốt các định hướng thu hút FDI, chủ động lựa chọn xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới, phù hợp với đặc điểm, kết cấu hạ tầng của địa phương. Qua đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với định hướng, tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý vốn và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án quan trọng của quốc gia trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái với việc áp dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, tuần hoàn nước, quản lý vận hành thông minh.

Hồng Đạt (TTXVN)
Đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng hiện đại, có công nghiệp phát triển
Đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng hiện đại, có công nghiệp phát triển

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN