Hậu Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách

Sáng 24/8, Đoàn công tác Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách kết hợp chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chú thích ảnh
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, phát biểu. 

Tại buổi làm việc, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá, hoạt động của Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh đã tích cực, chủ động, có sự phân công, kiểm tra, giám sát trong thực hiện nhiệm vụ được giao; sự gắn kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức nhận ủy thác chặt chẽ. Việc tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền về tín dụng chính sách đáp ứng yêu cầu.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, sơ bộ cho thấy, việc chuẩn bị tổng kết đã hoàn thành, cách tổ chức tổng kết sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, tỉnh tiếp tục tuyên truyền về tín dụng chính sách bằng nhiều hình thức. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức nhận ủy thác tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách; phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hạn chế nợ xấu.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác và cho rằng đây là cơ sở để tỉnh thực hiện tốt hơn công tác tín dụng chính sách trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoàn chỉnh báo cáo, làm rõ phương hướng trong thời gian tới và các kiến nghị để gửi đến Đoàn công tác.

Tính đến ngày 31/7, tổng nguồn vốn năm 2022 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là trên 3.268 tỷ đồng, doanh số cho vay trên 771 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 465 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng là trên 3.255 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,37% (đạt 61,81% chỉ tiêu kế hoạch). Dư nợ bình quân đạt trên 1,4 tỷ đồng/tổ tiết kiệm - vay vốn, dư nợ bình quân 34,7 triệu đồng/khách hàng.

Trong năm 2021 và 7 tháng của năm 2022, toàn tỉnh có trên 46,6 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho gần 19,6 nghìn lao động, giúp trên 1,9 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn mua trang thiết bị và trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 33.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn.

Ngoài ra, trên 1.650 hộ tại vùng khó khăn được hỗ trợ vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn cho 142 đối tượng có thu nhập thấp mua nhà, xây mới, cải tạo nhà, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Hiệu quả thiết thực từ tín dụng chính sách xã hội
Hiệu quả thiết thực từ tín dụng chính sách xã hội

“Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo trên địa bàn quận Bình Thủy”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN