Hiệu quả giao khoán, bảo vệ rừng ở Tuyên Quang

Với mục tiêu bảo vệ rừng bền vững, nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng… thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ, qua đó giúp ngăn chặn hành vi khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng hộ.

Đồng thời, các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sống gần rừng có thêm thu nhập chính đáng từ rừng, giúp họ cải thiện cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đi tuần rừng nhận giao khoán, bảo vệ. 

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ trên 85 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số, tổng kinh phí hỗ trợ trên 132 tỷ đồng. Nhờ việc giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn và từng hộ dân đã hạn chế được các vụ phá rừng phức tạp, nhân dân có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ rừng...

Xã vùng cao Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa là một trong những xã điển hình về thực hiện việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ ở tỉnh Tuyên Quang. Ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết: Xã bắt đầu triển khai việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ từ năm 2018, với 10/12 thôn nhận giao khoán rừng để bảo vệ với tổng diện tích trên 1.912 ha. Để thực hiện tốt công tác giao khoán rừng trên địa bàn, xã đã thành lập Ban quản lý rừng của xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích khi tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, sau khi giao khoán diện tích rừng cần bảo vệ cho các thôn bản, xã cũng hướng dẫn và yêu cầu các thôn báo cáo bằng hình ảnh những chuyến đi tuần rừng; hằng tuần Ban quản lý rừng của xã cũng cử các thành viên trong Ban về các thôn để đi kiểm tra, tuần rừng cùng với tổ tuần rừng của thôn đó...

Ông Đỗ Văn Hiếu cũng cho biết thêm: Từ khi thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân đến nay, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã được thực hiện tốt hơn, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Nhiều nơi, người dân sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ giao khoán bảo vệ rừng để xây dựng các công trình hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn… góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chú thích ảnh
Nhờ nguồn kinh phí từ bảo vệ rừng, người dân thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Qung) đã làm được đường bê tông nội thôn.

Bí thư Chi bộ thôn Cao Bình (xã Hùng Mỹ) Lý Tiến Thắng chia sẻ: Thôn có 76 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Dao. Hiện thôn được giao khoán bảo vệ hơn 200 ha rừng tự nhiên. Hằng tuần, thôn sẽ sắp xếp, phân chia 4 nhóm hộ đi tuần rừng theo các tuyến khác nhau, mỗi nhóm có khoảng từ 8-10 thành viên đại diện cho các hộ dân trong thôn. Với kinh phí được nhà nước hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm, người dân trong thôn đã thống nhất không chia tiền về các gia đình mà đóng góp vào quỹ chung của thôn để làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa… Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và sự đóng góp của người dân, thôn Cao Bình đã làm được gần 1.000 m đường bê tông nội thôn, xây dựng được nhà văn hóa, sân thể thao, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong thôn.

Ông Lương Văn Biên, dân tộc Dao, thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, cho biết: Từ khi nhận bảo vệ rừng đến nay, gia đình ông cũng như người dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi, vì vừa góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng, hạn chế lũ lụt, sạt lở, lại vừa có thêm thu nhập. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ bảo vệ rừng đã giúp người dân giảm được kinh phí đóng góp xây dựng các công trình chung của thôn. Hiện 100% đường nội thôn đã được bê tông hóa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Đây là động lực rất lớn để người dân tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng như ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng…

Với hiệu quả thiết thực, chính sách giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, người dân đồng tình hưởng ứng. Theo ông Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan, huyện Yên Sơn: Toàn xã có trên 2.000 ha rừng, trong đó có trên 248 ha rừng phòng hộ. Trước đây, việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Vì diện tích rừng lớn, lực lượng cán bộ xã mỏng, do đó tình trạng phá rừng vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, từ năm 2018, thực hiện chính sách giao khoán rừng về thôn, bản cho hộ dân bảo vệ, trên địa bàn xã không còn tình trạng chặt phá rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được thực hiện tốt hơn; các hành vi xâm phạm rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng cao. Đặc biệt, người dân còn có thêm thu nhập chính đáng từ rừng...

Chú thích ảnh
Nhà văn hóa thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được xây dựng khang trang trong đó có một phần nguồn kinh phí từ bảo vệ rừng.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những năm qua, để triển khai thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản để triển khai thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Thông qua văn bản hướng dẫn của Sở, các huyện hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ khoán bảo vệ, quy trình nghiệm thu, thanh toán…

Cũng theo ông Triệu Đăng Khoa, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao, thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, chính sách của trung ương về phát triển rừng; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với nhiều giải pháp bảo vệ rừng khác, giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao, rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm đi nhiều… Nhờ vậy, Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Kạn, Quảng Bình) về tỷ lệ che phủ rừng với trên 65% và là hình mẫu của cả nước về phát triển kinh tế lâm nghiệp...

Tin, ảnh: Vũ Quang (TTXVN)
Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế gắn với bảo vệ rừng ở Cà Mau
Phát huy hiệu quả mô hình kinh tế gắn với bảo vệ rừng ở Cà Mau

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN