Lai Châu: Quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc

Lễ hội của đồng bào dân tộc được phục dựng, bảo tồn, nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng và động viên tinh thần đồng bào hăng say lao động sản xuất.  

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc bằng việc duy trì, tổ chức thường niên các lễ hội. Triển khai Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích đồng bào bảo tồn nét văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trên nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho Nhân dân.

Chú thích ảnh
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi là Lễ hội Cốm mới của đồng bào Thái trắng, được tổ chức hằng năm vào tiết trời cuối Thu, đầu Đông trên cánh đồng Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu (còn gọi là Lễ hội Cốm mới) của đồng bào Thái trắng ở Lai Châu, diễn ra hàng năm vào cuối Thu trên cánh đồng Mường So, huyện Phong Thổ. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn trời đất, thần linh đã ban cho người dân mùa màng bội thu và nhiều điều tốt đẹp.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mường So Bùi Quang Lịch: Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Thái đã lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ, giao lưu văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm hai phần. Trong phần lễ diễn ra các nghi thức: Rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Sau đó, vào phần hội, đồng bào và du khách cùng tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, điệu múa như: Kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe. 

Các hoạt động đã gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn, trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ giã cốm, cầu bình an đã thu hút được đông đảo du khách trải nghiệm. Công việc chế biến lúa cốm khá phức tạp. Thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. 

Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo. Khi nướng xong thóc thì cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để nhịp chày vừa đủ. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim, cho biết: Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu được phục dựng, bảo tồn nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng và động viên tinh thần đồng bào hăng say lao động sản xuất.

Qua đó, đời sống tinh thần và ý thức, trách nhiệm của các thế hệ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được nâng cao; tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Phong Thổ nói riêng và Lai Châu nói chung.

Tin, ảnh: PV
Đặc sắc Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển Quảng Nam
Đặc sắc Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển Quảng Nam

Ngày 2/4, tại bãi biển Cửa Khe, thôn Duy Hà, xã Bình Dương, Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã bế mạc Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023 "Thăng Bình - Khát vọng vươn khơi".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN