Phú Thọ: Nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2023 kinh tế- xã hội của tỉnh Phú Thọ có những tín hiệu, kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,22%, nằm trong nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước và của vùng.

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến nay đạt 655 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi theo Nghị Quyết số 11/NQ-CP, dư nợ cho vay đạt 306 tỷ đồng (tăng 44 tỷ đồng so năm 2022, với 4.937 khách hàng còn dư nợ). Giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách để hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt 2.077 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp, trên cơ sở kế hoạch sản xuất, đã tích cực tìm nguồn cung và ký kết hợp đồng cung ứng nhằm bảo đảm có đủ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh bị thiệt hại do biến động thị trường. Nhiều doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư vào công nghệ, thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Các doanh nghiệp cũng xây dựng kịch bản với những biến động thị trường, lao động, tỉ giá, biến động lãi suất… để ứng phó.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Việt Nam, khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất ván ép. Năm 2022, sản lượng sản xuất của Công ty ước đạt 20.000m3 sản phẩm, trong đó 50% sản lượng phục vụ xuất khẩu và 50% tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc Công ty chia sẻ: Ngành gỗ là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp bởi biến động thị trường thế giới khi giá nguyên nhiên liệu tăng, sản lượng tiêu thụ giảm. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Công ty đã lên kế hoạch dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường, đồng thời theo dõi sát dự báo thị trường ngành gỗ năm 2023 để có kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm gia tăng đơn hàng, duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đáng chú ý có sự bổ sung năng lực mới của một số dự án đi vào sản xuất, đã bù đắp sự sụt giảm và duy trì đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 10,11%, đưa Phú Thọ nằm trong nhóm 10/63 tỉnh có tốc độ tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,3% so cùng kỳ, trong đó 4/4 ngành công nghiệp có mức tăng khá gồm: Chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; khai khoáng; sản xuất và phân phối điện. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 7/18 ngành cấp II, tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB); huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần giầy Hạ Hòa. Ảnh: TTXVN phát

UBND tỉnh tập trung rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình, tiến độ thực hiện 1.329 dự án đầu tư, phân loại rõ các loại dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, các dự án cần xử lý trong thời gian tới. Tích cực chỉ đạo ban hành các quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường…; quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp; điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp; quy định về trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản…

Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua tỉnh Phú Thọ là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng, kết nối hai tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang với mạng lưới giao thông Quốc gia. Trong quá trình triển khai GPMB thực hiện dự án, tỉnh Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương sát sao trong công tác chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc; vận dụng đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện hành của Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân có đất bị thu hồi, đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội mang tính bền vững và lâu dài cho người dân.

Đến nay, đã bàn giao mặt bằng thi công tuyến chính được 28,93km, đạt 100%; di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, nước, viễn thông đạt 97% khối lượng; xây dựng hoàn thành 23/23 khu tái định cư. Kinh phí đã cấp cho công tác GPMB 727 tỉ đồng/tổng kinh phí bồi thường GPMB theo tổng mức đầu tư được duyệt 759,21 tỉ đồng; kinh phí đã giải ngân đến nay 697,6 tỉ đồng.

Với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tính đến ngày 31/5/2023, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt 1.440,2 tỷ đồng,bằng 33,7% kế hoạch. Tiến độ triển khai 17 dự án trọng điểm của tỉnh có chuyển biến, tháo gỡ, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng. 6 tháng đầu năm đã bàn giao trên 150ha đất sạch, tạo điều kiện sớm khởi công, hoàn thành một số dự án trọng điểm của tỉnh, huyện; xử lý, thu hồi 5/18 dự án chậm tiến độ kéo dài. 

Chú thích ảnh
Dự án cầu Vĩnh Phú là công trình trọng điểm có ý nghĩa với nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.961 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.116 dịch vụ, tăng 469 dịch vụ so cuối năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh đạt 71,1%, tăng 17,5% so với cùng kỳ. 100% các cơ quan, đơn vị đã phát sinh hồ sơ thanh toán trực tuyến phí lệ phí TTHC; 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử… Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai cấp căn cước công dân, định danh điện tử, chứng thực điện tử, số hóa hồ sơ…, đưa công tác chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được 102 dự án; trong đó có 70 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 2.267,6 tỷ đồng; 32dự án vốn FDI, tổng vốn đầu tư 52,2 triệu USD. Có 25 dự án cấp mới, 77 dự án tăng vốn; 18 HTX thành lập mới, 505 doanh nghiệp đăng ký thành lập, vốn đăng ký 10.556 tỷ đồng (tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,5 % số vốn đăng ký); 196 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Việc triển khai công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện học tập được các cấp, các ngành quan tâm, bố trí nguồn lực. Công tác y tế được chú trọng, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; tăng cường khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Tình hình việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định, số lao động có việc làm tăng thêm đạt 9.610 người (đạt 58,2% kế hoạch năm, bằng 96,8% so với cùng kỳ).

Lệ Thủy
Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại Phú Thọ
Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại Phú Thọ

Tỉnh Phú Thọ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN