Thái Bình đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera giám sát hành trình

Đến thời điểm này tỉnh Thái Bình mới chỉ có 442 xe đã lắp đặt camera trong tổng số 1.889 xe thuộc diện bắt buộc lắp đặt.

Ngày 31/12/2021 là thời hạn cuối cùng để các đơn vị vận tải, chủ phương tiện phải hoàn tất việc đầu tư, lắp đặt camera giám sát hành trình theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, đến thời điểm này tỉnh Thái Bình mới chỉ có 442 xe đã lắp đặt trong tổng số 1.889 xe thuộc diện bắt buộc lắp đặt theo quy định.  

Chú thích ảnh
Theo dõi giám sát hoạt động vận tải hành khách qua camera tại Công ty cổ phần xe khách Hoàng Hà. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình, trên địa bàn hiện có 208 đơn vị vận tải phải lắp đặt hệ thống camera trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trong đó nhiều nhất là xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên có 62 đơn vị (tổng số 673 xe phải lắp đặt camera); xe đầu kéo có 55 đơn vị (180 xe); xe container có 47 đơn vị (370 xe), xe tuyến cố định 40 đơn vị (576 xe); xe du lịch từ 9 chỗ trở lên và xe bus có 4 đơn vị (90 xe).

Ngay sau khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành cùng với các Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình đã sớm tuyên truyền đến các đơn vị vận tải, chủ phương tiện. Tuy nhiên nhiều đơn vị không “mặn mà” trong việc lắp đặt camera ngay cả khi thời hạn bắt buộc lắp đặt đã được dịch chuyển 6 tháng từ mốc 1/7/2021 (theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP) sang 31/12/2021 (theo Nghị quyết số 66/NQ-CP). Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, chủ phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhất là việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 khiến hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô ngưng trệ và gần như “đóng băng” hoàn toàn, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các đơn vị vận tải vận chuyển hành khách. Đơn cử như tuyến Thái Bình - Hà Nội, Thái Bình - Quảng Ninh và ngược lại vốn là 2 tuyến xe khách chủ đạo của tỉnh Thái Bình song cũng rất ít khách, thậm chí có thời điểm không có khách khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ tuyến.

Việc kinh doanh không hiệu quả dẫn đến chủ đơn vị vận tải, chủ phương tiện thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện lắp đặt camera theo quy định (trung bình chi phí lắp đặt là 5 triệu đồng/camera/xe). Trong năm 2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình ban hành 4 văn bản đôn đốc, nhắc nhở các chủ đơn vị, chủ phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lắp đặt camera theo lộ trình. Tháng 11/2021 tỷ lệ lắp đặt trên địa bàn tỉnh rất thấp với 135 xe/1.899 xe đã lắp đặt (chiếm 7,15%), đến ngày 14/12/2021 tỷ lệ này đã có chuyển biến với 442 xe đã lắp đặt (chiếm 23,4%), trong đó số xe đầu kéo có tỷ lệ cao nhất với 90/180 xe đã lắp đặt, xe container có 180/370 xe, xe tuyến cố định có 112/576 xe…

Theo ông Bùi Thanh Trà, 442 xe đã lắp đặt hầu hết là các xe đang hoạt động. Số xe còn lại chưa được lắp đặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động vận tải, nhất là vận tải khách, khiến nhiều xe phải nằm bãi, không hoạt động do không có khách.

Công ty cổ phần Xe khách Hoàng Hà là một trong những doanh nghiệp vận tải khách lớn của tỉnh Thái Bình. Ông Nguyễn Hữu Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hoàng Hà cho biết, để đảm bảo hoạt động quản lý, giám sát xe khách của công ty, ngay từ năm 2007-2008 công ty đã lắp đặt 100% hệ thống camera với tổng số 300 xe ô tô vận tải khách của công ty với kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua đại dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh vận tải khách của công ty ảnh hưởng nặng nề, điển hình như tuyến Thái Bình - Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) trước đây hoạt động 45 chuyến/ngày thì nay tần suất hoạt động giảm còn 7-8 chuyến/ngày; tuyến Thái Bình - Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) cũng tương tự, chỉ còn 5-7 chuyến/ngày. Nhiều chuyến xe không có hành khách nào, trong khi chi phí mỗi chuyến xe khoảng 1,4 triệu đồng (bao gồm chi phí lương lái xe, phụ xe, xăng dầu, bến bãi, phí tại các trạm thu phí).

Chú thích ảnh
Camera được lắp đặt trên phương tiện vận tải của Công ty cổ phần xe khách Hoàng Hà. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay Công ty cổ phần Xe khách Hoàng Hà đã hoàn thành lắp đặt camera tại 150 xe khách tuyến cố định đang hoạt động với kinh phí 1 tỷ đồng. Việc lắp đặt bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và Thông tư 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Hiện hệ thống camera giám sát hành trình mới lắp đặt hoạt động thông suốt truyền dữ liệu về máy chủ của đơn vị và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đặc biệt camera giám sát có thể phát hiện người không đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông, từ đó giúp doanh nghiệp dễ kiểm soát và thuận tiện trong việc truy vết nếu xuất hiện ca mắc COVID-19.

Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái tỉnh Thái Bình cho biết, việc thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP góp phần tăng cường theo dõi, giám sát người lái xe đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Bình, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh và các đơn vị đăng kiểm tăng cường tuyên truyền, đôn đốc để các đơn vị, chủ phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera theo quy định.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022 sẽ xử phạt 1 đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển; 5 đến 6 triệu đồng với cá nhân và 10 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải khách và vận tải hàng hóa không lắp đặt hoặc lắp nhưng không lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực, do đó hiện nhiều đơn vị vận tải tỉnh Thái Bình đang khẩn trương lắp đặt camera đối với xe trong diện bắt buộc của đơn vị mình.

Thu Hoài (TTXVN)
Sắp đến hạn chót xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát
Sắp đến hạn chót xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP vẫn thấp, hiện mới chỉ có 3 địa phương đã hoàn thành và 12 địa phương có tỷ lệ lắp đạt trên 70%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN