Thái Nguyên: Giảm nghèo đa chiều, tiến tới giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, được thể hiện rõ trong Đại hội XIII của Đảng.

Đây cũng là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên triển khai quyết liệt, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền núi.

Chính sách giảm nghèo đã được tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa bằng nhiều chỉ tiêu, nhiều hoạt động như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng công tác hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực, từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Phấn khởi và xúc động là tâm trạng đan xen của bà Dương Thị Thuận, 84 tuổi, hộ nghèo lâu năm của xóm Làng Huyện, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, khi ở trong căn nhà mới, do Học viện Quân y hỗ trợ xây dựng.

Những năm trước, bà sống cùng một người con bị khuyết tật nặng, sức khỏe yếu trong căn nhà dột nát, xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi mưa bão, hai mẹ con bà phải sơ tán để tránh ngập, lụt. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà, năm 2023, Học viện Quân y đã hỗ trợ 80 triệu đồng; các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cùng gia đình, anh em họ hàng, làng xóm cũng chung sức đóng góp cả tiền và công để ngôi nhà kiên cố được hoàn thành.

Bà Thuận xúc động chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của các cấp, ngành và bà con trong làng, tôi mới có được ngôi nhà khang trang này. Có nhà mới, sức khỏe và tinh thần của tôi được nâng lên rất nhiều, nhất là khi tuổi đã cao. Đây sẽ là động lực giúp tôi ổn định cuộc sống”.

Chú thích ảnh
Bà Dương Thị Thuận bên ngôi nhà khang trang mới được hoàn thành.

Cũng như bà Thuận, gia đình bà Bùi Thị Thao, ở xóm Liên Hồng 3, xã Vô Tranh,  huyện Phú Lương cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng xây dựng "Mái ấm tình thương" với diện tích 55m2. Sau gần ba tháng thi công, đến nay, ngôi nhà của bà đã hoàn thành.

Bà chia sẻ: “Là hộ nghèo, lại có 2 người con khuyết tật, đất canh tác hầu như không có, sự hỗ trợ này là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với bản thân tôi cũng như cả gia đình”.

Theo kế hoạch của tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu sẽ giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó có 3.365 hộ nghèo và 1.346 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Tính đến thời điểm này, kết quả giảm nghèo tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt kế hoạch đề ra với tỷ lệ giảm 1% số hộ nghèo, giảm 0,4% số hộ cận nghèo và giảm 2% hộ nghèo là dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai nhân rộng 20 mô hình sinh kế, hỗ trợ ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nâng cao về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm;…

Chú thích ảnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức tư vấn nghề nghiệp việc làm, hỗ trợ hướng nghiệp cho các em học sinh trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm qua, việc triển khai và thực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã được các cấp, ngành tích cực triển khai và mang lại hiệu quả cao.

Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế phát sinh nghèo cũng là mục tiêu được tỉnh Thái Nguyên đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thu Hằng
Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước
Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước

An sinh xã hội là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN