Tuyên Quang: Đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Tuyên Quang đã tập trung nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Cán bộ và nhân dân thực hiện đổ bê tông đường giao thông nông thôn tại thôn bản Tấng, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. 

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, dân số trên 88,29 vạn người, với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,7%.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận và công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua đó nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với đặc thù là huyện có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phối hợp với UBND huyện, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động. Ngoài ra, huyện Lâm Bình đã xây dựng quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân. 

Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cho biết, Hồng Quang là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Lâm Bình, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tổ chức đối thoại với nhân dân đã giúp xã nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết. Qua đây cũng giúp lãnh đạo xã thấy được những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết ngay. Đối thoại trực tiếp cũng là cách dân vận linh hoạt, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, xây dựng được niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. 

Công an tỉnh Tuyên Quang là một trong những đơn vị tham gia tích cực và hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 4/2022, triển khai chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng 1.400 căn nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, với tinh thần "Sớm nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất", Công an tỉnh Tuyên Quang đã huy động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, với hơn 14.000 ngày công cùng người dân trong thôn, xóm giúp san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Chỉ sau hơn ba tháng, 1.400 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao để các hộ gia đình đưa vào sử dụng, ổn định cuộc sống.

Nhờ chú trọng công tác lãnh đạo thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2023 các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản xóa bỏ “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”; tuyên truyền, vận động người Mông cam kết không tin, theo “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”; xây dựng 10/10 xã bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thành xã điển hình về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”.

Chú thích ảnh
Cán bộ và nhân dân dựng nhà cho người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách dân tộc được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án triển khai thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục quan tâm thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 23,45% đầu năm 2022 xuống còn 19,97% cuối năm 2022, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 10,17%; thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu; đề án hỗ trợ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025; đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc...

Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và nhân dân; triển khai, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 90%; thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa 85%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 95%. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% số thôn có đường ô tô đến trung tâm; trên 99 % số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,8% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 67% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 474 trường học, trong đó có 07 trường phổ thông dân tộc nội trú; 18 trường phổ thông dân tộc bán trú; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 95,65%...

Ông Lê Văn Quốc, Phó trưởng Ban thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định: Để tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, hệ thống dân vận các cấp tỉnh Tuyên Quang, thời gian tiếp theo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang xác định một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó trọng tâm là tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác dân vận, trong đó có công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác dân vận và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chú trọng thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.

Chú thích ảnh
Cán bộ và nhân dân chỉnh trang nhà văn hóa ở xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình.

Công tác dân vận tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia triển khai, thực hiện các nội dung trọng tâm, các khâu đột phá, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"... gắn với các phong trào thi đua do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Duy trì việc thực hiện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hằng tháng về cơ sở tham gia lao động, hoạt động với nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân...

Đồng thời chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện công tác dân vận...

Quang Cường
Sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững
Sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững

Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp và có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ khóa XVII), nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, hướng tới xây dựng địa phương trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN