Nhật Bản: Thêm 3 tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 tăng cường

Các biện pháp tăng cường này bao gồm: kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/7/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 3/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép thêm 3 tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch tăng cường trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này tiếp tục lập kỷ lục mới, khiến hệ thống y tế ở nhiều nơi rơi vào tình trạng căng thẳng.

Theo quyết định này, chính quyền tỉnh Saitama, phía Bắc thủ đô Tokyo, được phép tự ban bố các biện pháp tăng cường để chống dịch trong thời gian từ ngày 4/8 tới ngày 31/8; tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản, được phép áp dụng từ ngày 5/8 tới 21/8; tỉnh Kagoshima, phía Tây Nam Nhật Bản, được phép áp dụng từ ngày 3/8 tới ngày 31/8.

Các biện pháp tăng cường này bao gồm: kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người.

Kể từ cuối tháng 6 tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 – một trong những biến thể phụ của Omicron. Ngày 3/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 249.812 ca nhiễm và 169 ca tử vong. Có tới 24 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó Hokkaido có 6.930 ca, Saitama có 13.780 ca và Aichi có 17.778 ca.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, 4 tổ chức nghiên cứu, học thuật ở Nhật Bản, trong đó có Hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID), vừa ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hạn chế đi khám ở các cơ sở y tế.

Các tổ chức trên kêu gọi các bệnh nhân COVID-19 sử dụng các bộ xét nghiệm kháng nguyên tại nhà và mua các loại thuốc không cần kê đơn tại các nhà thuốc thay vì tới các bệnh viện và phòng khám bởi vì, trong nhiều trường hợp, “biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh không khác nhiều so với cảm lạnh”. Các triệu chứng của Omicron trong giai đoạn cấp tính thường xuất hiện trong khoảng 3 ngày, nhưng phần lớn sẽ giảm bớt trong từ 2 tới 4 ngày.

Ngoài ra, 4 tổ chức trên cũng đề nghị những người có triệu chứng như sốt và đau họng “xin nghỉ làm hoặc nghỉ học, tránh đi ra ngoài đường và bắt đầu hội phục ở nhà”. Những người khó thở hoặc sốt từ 37,5 độ trở lên có thể gặp các triệu chứng nặng hơn, cần tham vấn với các cơ sở y tế gần nhà và có thể gọi xe cấp cứu (nếu cần).

Trước đó, ngày 2/8, các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản đã kêu gọi chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng, đồng thời áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với dịch COVID-19 như dừng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và cho phép các phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các bệnh nhân COVID-19 không cần phải nhập viện ngay cả khi các bệnh viện vẫn còn giường trống và những người mắc COVID-19 không bắt buộc phải ở nhà.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Giới chuyên gia Nhật Bản đề nghị coi dịch COVID-19 như cúm mùa
Giới chuyên gia Nhật Bản đề nghị coi dịch COVID-19 như cúm mùa

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản vừa kêu gọi Chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN