Instagram và TikTok - Những nền tảng cung cấp tin tức phổ biến nhất đối với giới trẻ Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Truyền thông và Tin tức (N&MRC) thuộc Đại học Canberra (Australia) công bố mới đây, cho biết Instagram và TikTok là hai nền tảng mạng xã hội cung cấp thông tin phổ biến nhất đối với thế hệ Gen Z (những người có năm sinh từ 1997 - 2012) ở nước này.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Instagram trên màn hình điện thoại di động. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo này, cứ 4 người thuộc thế hệ Gen Z thì có một người lựa chọn xem các video cung cấp tin tức trên TikTok, tương đương với 10% dân số Australia. Báo cáo đánh giá mức độ quan tâm tới tin tức ở thế hệ Gen Z ở quốc gia châu Đại Dương này đã sụt giảm đáng kể, từ 46% trong năm 2022 xuống còn 36% trong năm 2023.

Xét về tổng thể, báo cáo cho rằng hình thức đăng tải tin tức trên các nền tảng mạng xã hội đã tăng trưởng mạnh trong một năm qua, trong đó YouTube và WhatsApp vẫn là hai nền tảng có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Australia, lần lượt là 23% và 10%.

Tác giả chính của báo cáo, Giáo sư Sora Park tại N&MRC thuộc Đại học Canberra cho hay: “Báo cáo cho thấy mọi người quan tâm đến các nguồn tin tức khác nhau, tùy thuộc vào nền tảng mạng xã hội mà họ sử dụng. Chẳng hạn, mọi người thường đọc tin tức do các phương tiện truyền thông chính thống cung cấp qua các nền tảng Facebook, Instagram, Twitter và YouTube, trong khi trên TikTok, họ lại ưu tiên quan tâm hơn đối với tin tức được cung cấp từ những người có ảnh hưởng (có lượt theo dõi và thương tác lớn)”.

Bên cạnh đó, cách thức lựa chọn chủ đề tin tức cũng có sự khác biệt giữa các nền tảng. Người dùng Twitter tập trung nhiều hơn vào tin tức thời sự ở trong nước, trong khi người dùng TikTok, Facebook và Instagram sử dụng các nền tảng này chủ yếu để theo dõi tin tức liên quan đến các lĩnh vực như giải trí, người nổi tiếng và một số chủ đề khác.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo trên, thực trạng “né tránh tin tức” ở Australia đang cao hơn mức trung bình toàn cầu (mức được ghi nhận là 69%). Cách thức “né tránh tin tức” phổ biến nhất ở giới trẻ Australia là không thường xuyên "check tin" (kiểm tra tin tức - 32%), bỏ qua hoặc lướt qua tin (31%) và né tránh một số nguồn tin tức nhất định (30%).

Báo cáo cũng cho biết 20% người Australia đang trả phí cho các hãng tin tức trực tuyến lớn trên thế giới. Người Australia thích những thông tin mang tính tích cực, những câu chuyện đưa ra giải pháp, các bài viết dưới dạng “điều tra, tiết lộ sự thật” và những bài viết mang tính lý giải một vấn đề hay sự việc. Ngoài ra, lượng người sử dụng các công cụ tìm kiếm (chẳng hạn như Google, Microsoft Bing...) để tìm kiếm các câu chuyện tin tức đã tăng 8 điểm phần trăm, lên mức 30%.

Mức độ phổ biến của các chương trình podcast cũng tăng lên khi 38% số người khảo sát cho biết đã nghe podcast (các tệp tin âm thanh) trong một tháng trước.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Smart TV trở thành thiết bị được sử dụng phổ biến hơn so với máy tính bảng trong việc truy cập tin tức, với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 29% và 23%.

Lê Đạt (TTXVN)
Giới trẻ tìm kiếm tin tức từ người nổi tiếng trên MXH thay vì báo chí truyền thống
Giới trẻ tìm kiếm tin tức từ người nổi tiếng trên MXH thay vì báo chí truyền thống

Một báo cáo thăm dò của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters mới đây đã chỉ ra cách mà các phương tiện truyền thông đang phải cạnh tranh với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của độc giả trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN