Năm 2018: Cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình đề xuất như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2018 “Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đối” vừa diễn ra.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù còn gần 1 tháng nữa nền kinh tế Việt Nam mới về đích 2017, nhưng những số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khá sáng sủa và những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đã gần như đạt được.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Phòng cho biết, ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mục tiêu cắt giảm 30 - 50% số giấy phép con để “cởi trói” cho doanh nghiệp được đề ra. Trong đó, hai tuyến cải cách là: Giảm rào cản và giảm chí phí đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tại diễn đàn, ông Đỗ Văn Vẻ cũng lạc quan cho rằng, xu hướng kinh doanh năm 2018 có chiều hướng tích cực bởi xu hướng niềm tin vào môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng.

Ông Vẻ dẫn chứng, trong năm 2017, hàng chục hiệp định thương mại tự do ký kết với các nước được thực hiện và những cam kết của các nhà đầu tư sau hội nghị APEC Đà Nẵng với nhiều dự án giá trị hàng tỷ đô la Mỹ được ký kết. Bên cạnh đó là sự nóng dần lên những ý tưởng khởi nghiệp ở nông thôn do các sinh viên khi ra trường lựa chọn kinh doanh từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi sản xuất đến mở xưởng cơ khí, dịch vụ ăn uống, thương mại, điện tử, y tế, giáo dục.

Nhiều ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp khác trong lĩnh vực thương mại điện tử, tin học, phần mềm sáng tạo, dệt may, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch, nhiều mô hình khởi nghiệp đã vươn ra thế giới như xuất khẩu phần mềm sáng tạo. Có thể nói chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh đa dạng như hiện nay và tương lai phát triển mạnh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức. Ngoài các yếu tố khách quan còn có những vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể. Doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Hiện tại, có gần 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trên 60% doanh nghiệp vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên (11 tháng đầu năm 2017 có 116.000 doanh nghiệp thành lập mới), nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể chưa giảm như kỳ vọng…

Theo Phó Chủ tịch VCCI, thách thức về lâu dài đối với Việt Nam là làm sao duy trì tăng trưởng tốc độ cao đi đôi với giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước), cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt các yếu tố sản xuất (đất đai, vốn) giúp xóa bỏ các rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế thế giới 2018 cũng được dự báo là tốt hơn năm 2017. Các thiết lập quan hệ kinh tế của thế giới hiện nay đang bắt đầu đi vào vận hành. Đặc biệt, với thành công của hội nghị APEC vừa qua tại Đà Nẵng, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn năm 2017.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen.

Để môi trường kinh doanh đạt được như mong đợi, ông Vẻ cho rằng, rất cần sự quan tâm tháo gỡ từ Quốc hội, Chính phủ như sửa đổi bổ sung bộ Luật Đất đai tạo thuận lợi trong việc sở hữu và đền bù giải tỏa mặt bằng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các luật thuế có liên quan đến doanh nghiệp tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Đồng thời, tiếp tục ban hành các nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghị quyết về giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh tế tư nhân… để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế phù hợp để định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước quan tâm khuyến khích động viên và tôn vinh khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích phát triển kinh tế làm giàu cho đất nước.

“Cắt giảm mạnh mẽ thủ tục rườm rà và chi phí không cần thiết, tạo niềm tin tưởng cho doanh nghiệp phát triển bền vững bước tiếp những bước tiếp theo”, ông Vẻ nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp 2018, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã chính thức ra mắt Mạng kết nối Doanh nhân Việt (Vietnam Entrepreneurs Networks) nhằm kết nối, gắn kết các cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, tạo cơ hội để các thành viên giao lưu, trao đổi, tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác trong các hoạt động: quản trị, kinh doanh, thực hiện chính sách pháp luật, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, quan hệ công chúng, phát triển khởi nghiệp...

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp du lịch 'than' nhiều điểm nghẽn chính sách cần gỡ
Doanh nghiệp du lịch 'than' nhiều điểm nghẽn chính sách cần gỡ

Nhiều doanh nghiệp cho rằng du lịch Việt Nam vẫn chưa có nền tảng để phát triển bền vững do những vướng mắc liên quan đến chính sách và việc thực thi của cơ quan quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN