Ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8 - 15%/năm

Theo Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8 - 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức thực hiện nghi thức khai mạc VIETNAM TEXPRINT 2023 trong ngày 21/9.

Tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam (VIETNAM TEXPRINT 2023) diễn ra trong ngày 21/9, ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8 - 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang thuộc Top 2 các ngành xuất khẩu trong nước và Top 3 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Theo ông Nguyễn Thái Hùng, trong năm 2022, tuy 3 tháng cuối năm bắt đầu có hiện tượng thiếu đơn hàng, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn đạt 44 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam 8 tháng năm 2023 ước đạt 26,2 tỷ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt khoảng 39,5 - 40 tỷ USD.

Để có thể đạt được mục tiêu trên, hiện ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải để từng bước cung cấp đủ nguyên phụ liệu cho ngành may. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm, in tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Trong bối cảnh đó, triển lãm VIETNAM TEXPRINT 2023 sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

"Triển lãm là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, bạn hàng, tăng cường các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Cụ thể, triển lãm sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mới; gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của đơn vị, từ đó có định hướng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển xanh và bền vững của ngành dệt may Việt Nam”, ông Nguyễn Thái Hùng nói. 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp giới thiệu các công nghệ in, dệt may tại triển lãm. 

Trong khi đó, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua đã hình thành và phát triển khu vực công nghiệp rộng lớn và thu hút hơn 4.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển hơn 44.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt trong ngành dệt may, tỉnh là nơi thu hút các doanh nghiệp dệt may FDI cũng như trong nước gia công cho các sản phẩm ở nước ngoài đang hoạt động tích cực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 và sự biến động của thị trường toàn cầu khiến các doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn khi đơn hàng dệt may sụt giảm. 

Vì vậy, theo bà Phan Thị Khánh Duyên, để thu hút thêm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu mới như: Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông... tỉnh đã phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức triển lãm VIETNAM TEXPRINT 2023.

Triển lãm đã thu hút hơn 200 gian hàng đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in, thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm, nguyên phụ liệu dệt may...

Điểm mới của triển lãm năm nay ngoài không gian triển lãm, số lượng doanh nghiệp tham gia gia tăng còn có các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề với các nội dung tập trung vào ngành in, thêu, dệt may để tìm giải pháp phát triển ngành; giải pháp chống hàng giả trong ngành dệt may; giải pháp in vải tùy chỉnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu; giải pháp phát triển xanh hóa ngành dệt may Việt Nam... 

Triển lãm VIETNAM TEXPRINT 2023 diễn ra trong 2 ngày 21 - 22/9, do Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR), Công ty TNHH Allallinfo Media Việt Nam (Tập đoàn Allallinfo Media Hồng Công) và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ngành dệt may muốn phát triển bền vững phải đầu tư sản xuất xanh
Ngành dệt may muốn phát triển bền vững phải đầu tư sản xuất xanh

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam buộc phải đầu tư theo sản xuất xanh. Mặt khác, việc xanh hóa dệt may là xu thế tất yếu, bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN