NHCSXH sơ kết hai phong trào thi đua lớn

Ngày 6/10, tại Trụ sở chính, NHCSXH tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Những năm qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt được toàn hệ thống NHCSXH chú trọng, tích cực triển khai thực hiện. Hai phong trào thi đua được phát động đến toàn thể cán bộ và người lao động, gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, qua đó góp phần thực hiện các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo tại địa phương.

Trong giai đoạn từ 2021 đến 30/9/2023, bên cạnh việc hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng nông thôn mới của các địa phương, NHCSXH thực hiện công tác an sinh xã hội, thiện nguyện với tổng số tiền 153 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh báo cáo kết quả hoạt động NHCSXH 9 tháng qua, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.

Hai phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực, khơi dậy tinh thần nội lực, chủ động, sáng tạo trong mỗi cán bộ NHCSXH luôn nỗ lực bám sát cơ sở, chuyển tải vốn kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương trong toàn quốc. 

Đến ngày 30/9/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 327.117 tỷ đồng, tăng 93.572 tỷ đồng so với năm 2020. Đặc biệt, sau 9 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn ủy thác địa phương đến 30/9/2023 đạt 36.599 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11% tổng nguồn vốn, tăng 16.284 tỷ đồng so với năm 2020. Hiện nay 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 310.224 tỷ đồng, tăng 78.234 tỷ đồng (+34,6%) so với 31/12/2020, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,5%, với gần 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đạt 128.691 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng dư nợ, với gần 3 triệu hộ đang còn dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt gần 30.251 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng dư nợ, với gần 600 nghìn hộ đang còn dư nợ.

Chú thích ảnh
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải báo cáo sơ kết 2 phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025 của NHCSXH.

Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 276.864 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ của NHCSXH. Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện qua NHCSXH đã góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).

Giai đoạn 2021 đến tháng 9/2023, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 1.947 nghìn lao động, trong đó trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 147 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho gần 90 nghìn HSSV mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 2 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho gần 546 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng trên 4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 4 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, gần 28,8 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, giai đoạn 2022 - 2025 từ 5,2% năm 2022 dự kiến xuống 4,03% năm 2023; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng cường hiệu quả trong thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng; tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát động các phong trào thi đua toàn hệ thống NHCSXH nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong các năm 2023 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn với nội dung trọng tâm là thực hiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo kế hoạch; trong đó đẩy mạnh công tác huy động các nguồn vốn và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhân dịp này, Hội nghị cũng đã công bố các Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Giám đốc NHCSXH đối với các tập thể có thành tích xuất sắc.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chúc mừng tập thể chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định và Cao Bằng vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, Công đoàn cơ sở Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã dũng cảm hy sinh, mất mát xương máu của mình để bảo vệ non sông Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN