Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ước tính năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt, đáng chú ý trong đó đều có các chỉ tiêu về xã hội và phát triển con người, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Để góp phần làm rõ nội dung này, báo Tin tức trích bài tham luận của ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại Diễn đàn KT-XH Việt Nam năm 2023.

Chú thích ảnh
Người dân xã Sơn Lễ tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hương Sơn. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các Tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo tách ra khỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước.

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện định hướng lớn, lâu dài và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,4 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân cho 3.807 lượt doanh nghiệp (1.793 doanh nghiệp) với số tiền 4.829 tỷ đồng để trả lương cho 1.230 nghìn lượt lao động (gần 546 nghìn lao động) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, số 68/NQ-CP và số 126/NQ-CP; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt: 20.589 tỷ đồng, với trên 361.000 lượt khách hàng được vay vốn; trong đó: Chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 834 tỷ đồng để mua hơn 89 nghìn máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 7.790 tỷ đồng, hỗ trợ mua và xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho gần 21 nghìn căn nhà ở xã hội; Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211 nghìn khách hàng được vay vốn tạo việc làm; Chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 153 tỷ đồng, cho hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục được vay vốn; Chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 1.812 tỷ đồng với hơn 37 nghìn khách hàng vay vốn.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một “điểm sáng”, và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam; là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương trên cả nước; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo; từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết sử dụng vốn đến mạnh dạn tiếp cận vốn vay, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đồng thời, trở thành cấu phần bổ trợ quan trọng, tất yếu, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Nguyễn Đức Hải
Điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN