Du lịch văn hóa - Bài cuối: Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú. Nguồn lực này được khai thác để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa. Cũng từ đó, du lịch đóng góp tích cực trong bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

“Mỏ vàng” tài nguyên du lịch văn hóa

Chú thích ảnh
Du khách tham gia trò chơi sông nước tại Bến Tre. Ảnh (tư liệu): Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Trong Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu từ du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD thu từ khách du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa là dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc trải dài khắp các vùng miền đất nước. Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Gắn với các di tích đều là những câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc trưng, thu hút du khách. Do đó, các địa phương đều có sáng tạo nhất định để khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của hệ thống di tích này. Quan trọng là nhu cầu du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách trong nước, quốc tế ngày càng tăng cao. Do đó có thể khẳng định rằng văn hóa luôn là bộ phận quan trọng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề “Du lịch văn hóa” cho Hội chợ Du lịch quốc tế (VITM) năm nay. Ban Tổ chức sẽ hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của Việt Nam. Sự chuyển hướng nhu cầu của du khách, sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của khách quốc tế và nội địa.

Qua Hội chợ lần này, Ban Tổ chức hy vọng góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời đưa văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại của Việt Nam ra thế giới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cũng chia sẻ: Du lịch và văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn. Thế nhưng hiện nay, việc phát triển du lịch văn hóa còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của văn hóa. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh du lịch văn hóa sẽ là giải pháp nòng cốt, trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. “Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh tế mà quên đi yếu tố văn hóa thì dần dần sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của đất nước, đến môi trường sống... vì vậy, chúng ta phải gắn văn hóa với phát triển du lịch” – ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin cho biết: Dấu hiệu đầu tiên xác định việc phát triển du lịch văn hóa trên thế giới là vào năm 1985, khi Liên minh châu Âu lần đầu tiên lựa chọn Athens (Hy Lạp) là "Thủ đô văn hóa của châu Âu". Tại Việt Nam, du lịch văn hóa chưa tách thành nhóm riêng nhưng nếu soi chiếu vào hoạt động bình thường của du lịch thì có thể thấy, sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện đã có nhiều sản phẩm tương tự như du lịch văn hoá. Ví dụ như việc đưa khách tham quan, khảo sát các kiến trúc tôn giáo, đi lễ hội văn hóa, hoặc khai thác các giá trị ẩm thực…

Du khách quốc tế yêu thích du lịch văn hóa

Chú thích ảnh
Người dân bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, qua đó nâng cao thu nhập, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Sau COVID-19, nhu cầu du khách tương tác với cộng đồng địa phương, khám phá văn hóa và sản phẩm bản địa ngày càng gia tăng. Với loại hình này, du khách thay vì tận hưởng dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng thì họ thích được khám phá văn hóa địa phương, trải nghiệm canh tác, cùng người dân trồng rau, đánh bắt cá, cắm trại, chèo thuyền kayak, vẽ tranh, làm gốm, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Có thể nói, xu hướng du lịch này không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân ở điểm đến, khám phá giá trị văn hóa bản địa mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nơi mà họ đặt chân đến.

Đáp ứng nhu cầu của du khách, các đơn vị lữ hành, du lịch đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn, góp phần quảng bá nét đặc trưng văn hóa, ẩm thực, danh thắng của nhiều địa phương.

Theo ghi nhận của Tập đoàn Paradise Vietnam, khách du lịch quốc tế thường có yêu cầu chất lượng dịch vụ rất cao, tùy từng dòng khách mà có các yêu cầu khác nhau. Nhưng với các thị trường thuộc các phân khúc cao cấp như châu Âu, Bắc Mỹ thì đa phần khách ưu tiên các trải nghiệm thiên nhiên, văn hoá, âm nhạc, đồng thời rất coi trọng yếu tố du lịch xanh, bền vững.

Những năm qua, Paradise Vietnam và các đơn vị du lịch trong nước đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, văn hoá kết hợp các trải nghiệm yêu thích theo thị hiếu của dòng khách. Chẳng hạn như tour du thuyền vịnh Hạ Long 2-3 ngày của Paradise Vietnam đang khai thác các điểm đến thiên nhiên, văn hoá, lịch sử. Đó là hang Sửng Sốt - Top 7 hang động karst đẹp nhất Việt Nam, làng chài Cửa Vạn - mô hình làng chài văn hoá nổi đầu tiên tại Việt Nam, hang Tiên Ông chứa di vật thời tiền sử có niên đại từ 10.000 năm trước Công nguyên…

Đồng thời, các du thuyền cũng thiết kế chương trình biểu diễn âm nhạc để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, thư giãn của khách hàng cao cấp. Trong năm 2023, đơn vị này sẽ ra mắt siêu du thuyền nhà hàng nhằm đón đầu nhu cầu trải nghiệm ẩm thực ngắm cảnh đẹp ven bờ vịnh Hạ Long kết hợp với thưởng thức show diễn thực cảnh đầu tiên trên vịnh Hạ Long của đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Nhiều đơn vị khác cũng khẳng định khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm rất yêu thích trải nghiệm khám phá thiên nhiên và văn hoá tại vịnh Hạ Long. Đồng thời họ mong muốn có thêm nhiều hơn tuyến tour dài ngày, khám phá điểm đến thiên nhiên, văn hoá tại đây.

Quảng Nam cũng là một điểm đến du lịch văn hóa thu hút khách quốc tế. Nơi đây sở  hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, ngoài ra còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và nhiều địa danh lịch sử, danh thắng nổi tiếng. Bên cạnh đó là lễ hội vùng miền, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Đô thị cổ Hội An với vẻ đẹp cổ kính, văn hóa riêng biệt luôn thu hút đông đảo khách quốc tế. Tại mùa trao giải năm 2022 của Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards/WTA) khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Hội An được nhận giải thưởng “Điểm đến đô thị du lịch Văn hóa hàng đầu châu Á năm 2022”. Giải thưởng này đã cho thấy Hội An luôn lấy văn hóa làm cốt lõi trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội là đúng đắn. Từ đó, các giá trị tinh hoa truyền thống được giữ gìn, phát huy. Mặt khác, thành phố luôn sáng tạo, đổi mới, tiên phong chuyển đổi sang mô hình “du lịch xanh” để hướng tới các giá trị bền vững, lâu dài.

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thu hút, đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn mới. Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương. Quảng Nam cũng hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn từ giá rẻ đến cao cấp, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh; nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như Festival biển, Festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố...

Di sản văn hóa là tài sản quý báu của quốc gia, cần được bảo tồn, phát huy, giới thiệu, lan tỏa. Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản là một hướng đi quan trọng để phát triển bền vững. Việt Nam đang bước đầu khai thác du lịch văn hóa nên vẫn rất cần những những giải pháp mang tính gắn kết chặt chẽ để thực sự xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa có tính bền vững, có uy tín và được ghi nhận...

Thanh Giang (TTXVN)
Du lịch văn hóa - Bài 1: Khai thác tối đa giá trị văn hóa để thu hút khách
Du lịch văn hóa - Bài 1: Khai thác tối đa giá trị văn hóa để thu hút khách

Tìm hiểu văn hóa bản địa đặc sắc luôn được du khách lựa chọn khi khám phá những vùng đất mới. Văn hóa là tài nguyên phong phú để xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách. Du lịch văn hóa là loại hình không thể thiếu trong quá trình phát triển du lịch của các quốc gia. Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam cũng xác định du lịch văn hóa mà một dòng sản phẩm ưu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN