Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài 1: Khai thác nét đẹp văn hóa trên sông ​

Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người nơi đây.

Chú thích ảnh
Dòng Ngô Đồng vàng rực đón du khách trong và ngoài nước về tham quan Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Du lịch văn hóa là hình thức dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách và góp phần bảo tồn văn hóa. Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người nơi đây. Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết phản ánh rõ nét đẹp, sự đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút du khách đến Ninh Bình.

Bài 1: Khai thác nét đẹp văn hóa trên sông

Các hoạt động văn hóa trên sông trong các lễ hội từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất Ninh Bình. Những giá trị truyền thống của các lễ hội này vẫn vẹn nguyên, truyền từ đời này sang đời khác như sự tiếp nối của dòng chảy lịch sử. Các nghi thức rước nước hay chương trình nghệ thuật trên sông là một trong những nét đẹp văn hóa độc đáo, tạo nên bản sắc trong các lễ hội ở Ninh Bình.

Tôn vinh giá trị lịch sử qua nghi thức rước nước

Chú thích ảnh
Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Lễ hội Hoa Lư là một trong những lễ hội độc đáo và được mong đợi hàng năm. Trải qua hơn 1.050 năm, đến nay, lễ hội này vẫn mang những giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử và đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
 
Lễ hội Hoa Lư được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Tại lễ hội, rước nước là nghi lễ truyền thống, linh thiêng để tưởng nhớ công lao của Vua Đinh Tiên Hoàng. Nghi lễ này được tổ chức từ sáng sớm. Đoàn người đi rước nước bắt đầu từ cổng đền Vua Đinh Tiên Hoàng, qua đền Vua Lê Đại Hành để ra bến sông Hoàng Long xin nước. Nước lấy từ sông Hoàng Long về được dâng tại đền thờ Vua Đinh. Tại đây, người dân thực hiện lễ Mộc dục, lễ Tiến phẩm để ca ngợi công đức các vị vua và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân ấm no. Nét độc đáo, đặc sắc của nghi lễ này chính là mọi nghi thức được diễn ra trên không gian sông nước, gợi nhớ lại giai thoại lịch sử dân gian về việc Vua Đinh được rồng vàng cứu trên sông.

Lễ hội Tràng An là lễ hội truyền thống chứa đựng nhiều nét độc đáo về văn hóa tín ngưỡng ở vùng đất Cố đô Hoa Lư; được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ và tri ân công đức Thánh Quý Minh Đại Vương đã có công trấn ải vùng Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời Vua Hùng Vương thứ 18. Điểm độc đáo trong lễ hội này là các nghi lễ rước rồng, rước nước được diễn ra trên sông, đi qua các di tích, hang động, cảnh đẹp của rừng núi, sông nước Khu Du lịch sinh thái Tràng An.

Chú thích ảnh
Bến thuyền Tràng An với nắng mùa thu hanh vành. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong tiếng trống dồn vang khai hội, tiếng chiêng dập dìu mênh mang một vùng sông nước, du khách Đào Phương Lan (đến từ Hưng Yên) chia sẻ: “Đến Ninh Bình đúng dịp lễ hội Tràng An, được hòa mình vào các hoạt động của lễ hội, tôi thấy rất ấn tượng bởi các nghi lễ, hoạt động văn hóa đặc sắc được diễn ra trên dòng sông thơ mộng giữa những hang, núi trùng điệp. Tôi cùng bạn bè được hòa mình vào không khí nghi lễ rước nước trên sông vô cùng đặc sắc và linh thiêng ở Ninh Bình. Đây là những hoạt động văn hóa vô cùng đặc sắc tạo nên dấu ấn khó quên đối với du khách khi đến tham quan, chiêm bái tại mảnh đất Ninh Bình”.

Ðiều đặc biệt ở nghi lễ rước nước trong các lễ hội ở Ninh Bình đó là tôn vinh những vị thánh trong dân gian. Ông Hoàng Thanh Phong, Giám đốc Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động (huyện Hoa Lư) cho rằng, nghi lễ rước nước được bảo lưu, gìn giữ trong các lễ hội đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội. Nghi lễ này còn thể hiện ý chí cộng đồng hướng về nguồn cội, nhắc nhở các thế hệ giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn, tôn thờ những vị thần có công với dân, với nước.

Không gian văn hóa rộng lớn

Văn hóa sông nước được xem là một trong những nét đặc trưng của Ninh Bình - vùng đất Kinh đô Hoa Lư xưa được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp và những dòng sông uốn lượn như: sông Ngô Đồng, Hoàng Long, Sào Khê... Các lễ hội dân gian ít nhiều gắn liền với sông nước, tạo nên một không gian văn hóa rộng lớn, kết tinh những giá trị nhân văn cao đẹp, giàu bản sắc.

Điều làm nên nét nổi bật trong các hoạt động lễ hội tại Ninh Bình chính là chuỗi các hoạt động văn hóa trên sông. Tiêu biểu như: Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư và lễ hội Đền Đức Thánh Nguyễn; hoạt động trình diễn văn hóa các vùng miền trên sông tại Lễ hội Tràng An; các hoạt động văn hóa - du lịch đặc sắc tại Tuần Du lịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An…

Ninh Bình có địa hình, địa chất, địa mạo đặc biệt với quần thể núi đá, hang động, thung lũng, sông hồ hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, non nước hữu tình, thơ mộng. Khi tham gia các hoạt động này, du khách được hòa mình vào không khí lễ hội linh thiêng náo nhiệt, được tìm hiểu về lịch sự của mảnh đất cố đô và chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của mây, trời, sông, nước cùng những hang động kỳ vĩ tạo nên những kiệt tác vô giá. Đồng thời, mỗi du khách có thể hiểu thêm về mảnh đất Hoa Lư giàu truyền thống và con người Ninh Bình “hài hòa, thân thiện, mến khách”.

Chú thích ảnh
Du khách được hòa mình trong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những cánh đồng lúa chín. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Bà Vũ Thị Lý, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cho biết, Ninh Bình là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Các lễ hội truyền thống này diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc Việt. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa trên sông nói riêng cũng như các lễ hội ở Ninh Bình nói chung không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân, gắn kết cộng đồng mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Với một không gian văn hóa rộng lớn, kết tinh những giá trị nhân văn cao đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, các nghi lễ, hoạt động văn hóa trên sông ở Ninh Bình cho thấy sự đa dạng, phong phú trong đời sống tinh thần của người Việt. Ðó chính là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hấp dẫn.
 
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, người dân nơi đây đã kế thừa và phát huy các thành quả, giá trị thiêng liêng mà cha ông để lại, sử dụng bền vững cảnh quan thiên nhiên, giá trị truyền thống để phát triển du lịch, lựa chọn du lịch là trục phát triển chính. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, di sản vô giá, vừa dẫn dắt, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Bài 2: Di sản văn hóa - nguồn lực phát triển

Thùy Dung (TTXVN)
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa
Phát triển du lịch văn hóa Ninh Bình - Bài cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa

Đối với Ninh Bình, thúc đẩy việc xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch được xác định như động lực mới cho tăng trưởng du lịch của tỉnh nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách. Trong đó, khai thác các yếu tố văn hóa được xem là đòn bẩy góp phần thu hút và “níu” chân du khách lâu hơn khi đến địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN