Trồng đào gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn được xem là “vựa đào” của tỉnh Lạng Sơn.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu đặc thù, hoa đào trồng ở trên vùng đất này mang vẻ đẹp đặc trưng, cánh hoa kép, hoa lâu tàn nên đã thu hút khách hàng khắp nơi. Trồng đào gắn với phát triển du lịch cộng đồng mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ dân nơi đây làm giàu.

Chú thích ảnh
Chăm sóc đào ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. 

Thu nhập cao từ trồng đào

Những ngày Xuân mới đến, cơn mưa phùn tạo nên chất xúc tác để hoa đào xứ Lạng khoe hết vẻ đẹp tự nhiên vốn có, lung linh giữa núi rừng. Đi dọc con đường Quốc lộ 1A cũ dài khoảng 8 km chạy qua địa bàn xã Quảng Lạc, không khí mua bán đào diễn ra tấp nập. Nhiều xe tải từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Thanh Hóa cũng tìm về đây để mua đào về bán cho khách chơi Tết. Dọc hai bên đường, những vườn đào đang bung nở, căng tràn sức Xuân. Dưới triền đồi, hoa đào nở trên thửa ruộng bậc thang tạo nên bức tranh Xuân đầy sắc màu.

Dẫn khách tham quan vườn đào nằm phía dưới triền đồi gần Quốc lộ 1A cũ, anh Hoàng Văn Quế, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc chia sẻ, trước đây toàn bộ diện tích đất của gia đình chỉ trồng ngô và một số cây hoa màu nhưng giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2018, gia đình anh chuyển sang trồng đào và liên tục mở rộng diện tích. Hiện gia đình có khoảng 5.000m2 trồng 1.200 gốc đào, chủ yếu là đào phai, đào bích.

Khoảng 3 năm trở lên cây đào có thể cho khai thác. Giá bán tùy theo cây, cành lớn, nhỏ khác nhau song những cây, cành nhỏ, giá dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/cành. Những cây to, cành to có giá từ một triệu đến vài triệu đồng. Tùy theo sức mua và nhu cầu của thị trường mỗi năm có thể bán từ 100 cây, cành đào trở lên. Năm nay, tính đến ngày 3/2, gia đình anh Quế đã bán được hơn 100 cây, cành đào, thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhất là dịp cận Tết khi người dân được nghỉ làm dự kiến sức mua sẽ tăng cao.

Chị Hoàng Thị Diệu ở thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc cho hay, gia đình trồng hơn 1.000 gốc đào. Hiện khoảng 70% cây đào đã được bán. Năm nay, sau một số đợt rét đậm, rét hại, trời đã ấm dần lên nên hoa đào bắt đầu bung nở rất đẹp. Giá bán đào phụ thuộc vào chất lượng cây đào, cành đào song không biến động nhiều so với mọi năm.

Theo chị Diệu, với điều kiện đất đồi rừng, khí hậu miền núi, mùa lạnh thường kéo dài, khá phù hợp để cây đào thích nghi, phát triển. Để có vườn đào đẹp, cho giá trị kinh tế cao đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc đặc biệt. Nếu thời tiết ấm, bà con phải chủ động tuốt lá muộn hơn, còn thời tiết lạnh kéo dài, chủ vườn sẽ vun gốc, tưới nước ấm đảm bảo cho nụ hoa phát triển bình thường. Người trồng đào phải theo dõi sát diễn biến của thời tiết để chia giai đoạn chăm sóc, cho hoa nở vào đúng dịp Tết...

Gắn với phát triển du lịch

Chú thích ảnh
Du khách chọn mua đào ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc Phạm Đình Duy thông tin, với điều kiện tự nhiên về đất đai đồi rừng, khí hậu thuận đặc thù miền núi rất phù hợp cho cây đào sinh trưởng, phát triển và tạo nên vẻ đẹp, thương hiệu hoa đào riêng. Nghề trồng đào đã có ở địa phương từ rất lâu nhưng trước đây chủ yếu bà con trồng theo quy mô nhỏ lẻ để chơi Tết hoặc bán trong vùng.

Khoảng năm 2018, các hộ dân trên địa bàn mới bắt đầu trồng đào thương phẩm. Đến nay ở tất cả 9 thôn đều có diện tích trồng đào. Toàn xã có hơn 100 ha hoa đào, trên 70 hộ trồng đào. Quảng Lạc là xã có diện tích trồng đào lớn của tỉnh. Nhiều hộ dân trong xã có 3 - 4 vườn với hàng nghìn cây đào.

Các loại đào phai, đào bích cánh kép, đào thất thốn trồng ở Quảng Lạc nói riêng, ở Lạng Sơn nói chung bông hoa to, nhiều cánh, cánh dầy, lâu tàn. Một số giống đào có thể chơi được hai đến ba tuần. Đây là một lợi thế lớn, thu hút khách hàng từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc kéo về tìm mua đào.

Ước tính, khi vào độ tuổi khai thác, trung bình 1 ha đào mang lại nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng các loại cây khác. Việc đổi mới phương thức sản xuất, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây đào, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch cộng đồng đã góp phần đưa Quảng Lạc trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân trên 53 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Đề án của UBND tỉnh Lạng Sơn về bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức Lễ hội hoa đào Xứ Lạng ban hành năm 2018, xã Quảng Lạc đã thành lập Hợp tác xã hoa đào Bản Cao với 24 thành viên, diện tích trên 20 ha; đồng thời tổ chức Hội chợ hoa đào xã Quảng Lạc vào dịp đầu năm mới. Xã đã đi tiên phong trong việc bảo tồn, phát triển giá trị cây đào gắn với du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm để quảng bá thương hiệu hoa đào Xứ Lạng.

Đầu năm 2024, UBND thành phố Lạng Sơn và các cơ quan liên quan đã đưa vùng trồng đào Quảng Lạc vào danh mục, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của thành phố Lạng Sơn - thành phố hoa đào bằng xe ô tô điện.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết, cây đào có đặc tính khá ưa đất mới. Trong tổng số trên 2.769 ha đất sản xuất, xã có khoảng 70% diện tích đất đồi thấp, thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng đào, hướng đến nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế từ cây hoa đào.

Thời gian tới, phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, xã xác định đưa cây đào thành cây trồng chủ lực, trở thành thương hiệu nhận diện của địa phương. Xã sẽ khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch vùng trồng đào tạo thuận lợi cho việc gắn hoạt động sản xuất với du lịch cộng đồng. Xã cũng vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng đào, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc đào, nâng cao chất lượng hoa đào; xây dựng các tổ, nhóm liên kết sản xuất đào; hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn gắn với hoa đào...

Lạng Sơn hiện có hơn 715 ha đào ở tất cả 11 huyện, thành phố, với trên 2.900 hộ trồng đào. Cây đào mang lại giá trị kinh tế cao, một số địa phương như: Thành phố Lạng Sơn, huyện Bắc Sơn, những gia đình trồng cây đào cảnh, có thu nhập từ 20 - 300 triệu đồng.

Bài và ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Đào đá Mường Lát vào vụ Tết
Đào đá Mường Lát vào vụ Tết

Với đặc điểm bông to, mập mạp, nhiều nụ, hoa bền, màu phớt hồng, giống đào đá Mường Lát (Thanh Hóa) hay còn gọi là đào mốc, đào Lào đang là loài hoa được nhiều khách hàng tìm kiếm để trưng trong Tết Giáp Thìn này. Năm nay, thời tiết thuận lợi, đào đá Mường Lát được mùa, được giá nên cả người trồng và người buôn đào đều rất phấn khởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN