Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc vi khuẩn não mô cầu nhóm B cao nhất

Kết quả xét nghiệm PCR của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho thấy, bé gái 5 tuổi (ngụ Tây Ninh) bị nhiễm khuẩn huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố dương tính với vi khuẩn não mô cầu nhóm B. Đây là nhóm não mô cầu nguy hiểm và phổ biến hàng đầu tại Việt Nam.

Ngày 11/4, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết, sau 2 tuần điều trị tích cực, bé gái 5 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn não mô cầu đã qua nguy kịch, cai được máy thở. Trước đó, bệnh nhi nhập khoa cấp cứu với tình trạng tím tái, mạch đập nhanh nhẹ, hạ huyết áp, chấm xuất huyết, tử ban rải rác toàn thân. Chẩn đoán ban đầu sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết nghi do não mô cầu.

Chú thích ảnh
Sau 2 tuần điều trị tích cực hiện bé đã qua cơn nguy kịch, không còn thở máy. Ảnh: BV

Theo đó, bệnh nhi được nằm ở phòng cách ly, được đặt ống nội khí quản trợ thở và thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch duy trì huyết áp, sử dụng nhiều loại kháng sinh trị nhiễm trùng, bảo vệ tuần hoàn, cải thiện chức năng gan thận...

Kết quả xét ngiệm phản ứng khuếch đại chuỗi nhân PCR máu và dịch não tủy cho ra tác nhân là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus), sau đó được gởi mẫu đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện PCR phân tích xác định được não mô cầu serogroup B.

Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố thông tin thêm, qua điều tra lịch sử tiêm chủng thì được biết bệnh nhi này có lịch tiêm chủng không đầy đủ và chưa từng tiêm ngừa não mô cầu. Vi khuẩn não mô cầu tấn công não và tuần hoàn tim mạch rất nhanh, đặc biệt là trên các trẻ chưa được tiêm vaaccine phòng bệnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua, gây ra các bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, cắt cụt chi, thiểu năng trí tuệ…

“Trẻ mắc não mô cầu vẫn có thể tử vong trước cả 24 giờ khiến người nhà rất sốc vì buổi sáng trẻ còn đến trường khỏe mạnh nhưng tối đã rơi vào nguy kịch. Chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu rất tốn kém, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực, chưa kể gánh nặng chăm sóc người tàn tật về sau”, bác sĩ Khanh nói.

Chú thích ảnh
Để phòng bệnh do vi khuẩn não mô cầu phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm thường gặp ở Việt Nam là A, B, C, Y, W-135. Trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tháng tuổi có nguy cơ mắc não mô cầu nhóm B cao nhất.

Tại Việt Nam, vào năm 2016 và 2022, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh từng ghi nhận 2 ca mắc não mô cầu B ở bé trai 4,5 tháng tuổi (Tiền Giang) và bé gái 5 tháng tuổi (Quận 11). Cả hai bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tử ban lan rộng trên da và sốc nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, bé trai được cứu sống nhưng phải chịu di chứng cắt cụt chi còn bé gái đã tử vong chỉ sau hơn 8 giờ nhập viện.

“Do đó, việc phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B cho trẻ từ sớm là rất quan trọng. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em từ 2 tháng và người lớn đến 55 tuổi, mới đây chúng tôi đã đưa về Việt Nam và triển khai tiêm vaccine thế hệ mới phòng viêm não mô cầu nhóm B. Hiện VNVC cũng là đơn vị tiêm chủng duy nhất tại Việt Nam có đầy đủ 3 loại vaccine phòng tất cả các nhóm huyết thanh não mô cầu nguy hiểm”, bác sĩ Bạch Thị Chính chia sẻ thêm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

Đan Phương/Báo Tin tức
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn đang được kiểm soát
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn đang được kiểm soát

Chiều 10/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh kết nối đến 63 điểm cầu UBND, Sở Y tế tỉnh, thành phố và các viện chuyên ngành của Bộ Y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN