Bảo đảm các điều kiện cho năm học mới - Bài 1: Đổi mới tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng hơn 35.000 học sinh ở các cấp học. Mặc dù vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh trên địa bàn, nhưng việc tổ chức hoạt động theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của ngành Giáo dục Thành phố dự báo gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, ngành Giáo dục và các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới với yêu cầu đảm bảo cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất.

Chú thích ảnh
 Học sinh Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (quận Phú Nhuận). Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đảm bảo các điều kiện cho năm học mới, ghi nhận những khó khăn, giải pháp khắc phục của Thành phố trong công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Bài 1: Đổi mới tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh đầu cấp với việc thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến; đồng thời thí điểm áp dụng hệ thống bản đồ của ngành Giáo dục (GIS) vào công tác tuyển sinh ở ba địa phương gồm: Quận 8, Tân Bình và thành phố Thủ Đức. Đến nay, công tác tuyển sinh đầu cấp tại các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Ghi nhận bước đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tuyển sinh đã mang lại thuận lợi cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tiễn đã phát sinh những khó khăn nhất định.

Hoàn toàn trực tuyến

Có con gái sinh năm 2012, chị Nguyễn Ánh Nhung (thành phố Thủ Đức) thực hiện các bước đăng ký trực tuyến tuyển sinh vào lớp 6 cho con theo hướng dẫn. Sau các bước khai báo thông tin bằng mã định danh cá nhân học sinh, xác nhận nguyện vọng đăng ký trên phần mềm tuyển sinh, chị Nhung nhận được kết quả con được phân tuyến vào lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Trường Thạnh, gần nơi cư trú. Nhận được kết quả tuyển sinh, chị Nhung chỉ cần đến trường một lần duy nhất để xác nhận nhập học cho con.

Chị Nhung chia sẻ, việc thực hiện tuyển sinh hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến đã tạo thuận lợi cho phụ huynh, giảm thời gian đi lại thực hiện hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước đăng ký trực tuyến phát sinh các vấn đề như: hệ thống bị lỗi do quá tải. Mặt khác, chị còn bỡ ngỡ trong việc thao tác các bước đăng ký trên hệ thống. Quá trình đó, chị được giáo viên trường Tiểu học của con hỗ trợ, hướng dẫn.

Từ năm học 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các bước trong quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Theo đó, quy trình tuyển sinh trải qua 3 giai đoạn, với các bước như khai báo thông tin bằng mã định danh của học sinh, rà soát thông tin trên hệ thống và đăng ký tuyển sinh; dựa trên dữ liệu trên hệ thống, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương sẽ phân tuyến học sinh vào các trường và công bố kết quả tuyển sinh. Từ kết quả này, phụ huynh đến trường thực hiện hồ sơ nhập học cho con.

Từ thực tế triển khai cho thấy, việc ứng dụng công nghệ đã tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và giảm tải cho trường học trong thực hiện công tác tuyển sinh. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh sang trực tuyến, tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn còn có những vấn đề khó khăn cần được giải quyết như hệ thống chưa đáp ứng. Phụ huynh chưa quen với thao tác trên thiết bị công nghệ. Nhà trường còn lúng túng trong việc giải quyết các trường hợp phát sinh trong phân tuyến, một số phụ huynh còn băn khoăn về kết quả phân tuyến.

Mặt khác, dù thực hiện tuyển sinh trên một hệ thống chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, nhưng mỗi địa phương lại có kế hoạch tuyển sinh riêng với những yêu cầu, căn cứ để phân tuyến trường học riêng. Vì thế, trong đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng học sinh đăng ký thông tin tuyển sinh nhưng chưa được phân tuyến. Các trường hợp chưa được phân tuyến này vẫn được tiếp tục hỗ trợ giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, nhưng điều này khiến phụ huynh băn khoăn.

Bỏ phân tuyến theo địa giới hành chính

Chú thích ảnh
Phòng học khang trang, sạch đẹp cho trẻ mầm non Trường Sơn Ca 14, quận Phú Nhuận. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Trực (Quận 8) dự kiến có 800 học sinh các lớp. Trường được đầu tư xây dựng mới với 30 phòng học, trong đó 18 phòng học được đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất.

Cô Lê Thị Thu Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường nằm trên địa bàn Phường 1, Quận 8. Thực hiện tuyển sinh theo bản đồ GIS, không bị giới hạn phân tuyến theo địa giới hành chính như trước đây, trường đón nhận rất nhiều học sinh ngoài phường, thậm chí ngoài quận. Trong số 270 học sinh vào lớp 1, phần lớn là học sinh của huyện Bình Chánh. Ghi nhận phản hồi từ thực tế cho thấy, dù còn khó khăn trong triển khai thực hiện do nhiều phụ huynh chưa tiếp cận với công nghệ, nhưng họ hài lòng với việc đổi mới tuyển sinh này do được học ở trường gần nơi cư trú hơn.

Năm nay, ba địa phương tại Thành phố gồm Quận 8, thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình thực hiện thí điểm áp dụng bản đồ số (GIS) của ngành Giáo dục để phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp. Tức là thay vì phân tuyến học sinh theo địa bàn phường như trước đây, học sinh sẽ được bố trí học tại trường gần nhà nhất, có thể không theo địa giới hành chính.

Thực tế, số học sinh tại mỗi địa bàn đông và luôn có xu hướng tăng, nhu cầu học tập của học sinh rất đa dạng theo từng loại hình trường, lớp; nhất là nhu cầu theo học trường tiên tiến hội nhập quốc tế, lớp tiếng Anh tăng cường, tích hợp khá lớn trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế. Chỉ tiêu tuyển sinh không đáp ứng nhu cầu, phân bổ vào học ở trường không như mong muốn… là những lý do khiến một số phụ huynh không đồng ý kết quả tuyển sinh. Vì thế, dù theo kế hoạch, công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) của Thành phố được hoàn tất vào cuối tháng 7, nhưng nhiều quận, huyện phải tiếp tục mở cổng đăng ký xét tuyển cho các trường hợp chưa xác nhận nhập học hoặc chưa được phân tuyến.

Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8, quận tiếp nhận số học sinh đầu cấp, nhất là vào lớp 6 cao hơn chỉ tiêu. Việc đổi mới tuyển sinh đã mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh và nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh được học trường gần nhà hơn. Thực tế, ngoài số học sinh trên địa bàn, quận còn tiếp nhận nhiều học sinh ở khu vực giáp ranh thuộc quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, qua đợt tuyển sinh vừa qua vẫn còn trường hợp học sinh chưa được phân tuyến do phụ huynh thao tác chưa đúng yêu cầu, do lỗi kỹ thuật hoặc học sinh chưa có mã định danh. Bên cạnh đó, Phòng ghi nhận một số trường hợp phụ huynh không đồng ý kết quả tuyển sinh trong đợt 1. Các trường hợp này, Phòng đã hỗ trợ, giải đáp và giải quyết phân tuyến dựa vào nơi cư trú thực tế.

Tương tự, các đơn vị còn lại thực hiện thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS cũng xảy ra tình trạng phụ huynh không đồng ý với kết quả phân bổ chỗ học. Lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, bản đồ GIS chỉ là một trong những căn cứ để thực hiện sắp xếp chỗ học cho học sinh. Việc phân tuyến còn phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng đáp ứng chỗ học của trường, nhất là ở khu vực tập trung đông dân; loại hình trường, lớp trên địa bàn...

Nhiều ý kiến đề xuất, nếu tiếp tục triển khai tuyển sinh theo bản đồ GIS, bên cạnh căn cứ về khoảng cách, cần có những quy định cụ thể hơn để việc phân tuyến thuận lợi hơn, tránh được tình trạng phụ huynh băn khoăn về kết quả tuyển sinh. Cùng với đó, cần có sự thống nhất về kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các quận, huyện, như về căn cứ, điều kiện tuyển sinh, phân tuyến (theo hộ khẩu, tạm trú, chỗ ở hiện nay…).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nay Thành phố có nhiều đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp. Đến nay, 99% học sinh của Thành phố đã được cập nhật dữ liệu trên hệ thống của ngành. Trong năm đầu tiên triển khai, dù có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong năm học tới, nhưng việc đổi mới tuyển sinh đầu cấp là một dấu ấn lớn của Thành phố. Hầu hết phụ huynh hài lòng với kết quả tuyển sinh, nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh chưa hài lòng với việc phân tuyến trường học của các quận, huyện.

Bài 2: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất

Thu Hoài (TTXVN)
Bảo đảm các điều kiện cho năm học mới - Bài cuối: Củng cố đội ngũ giáo viên
Bảo đảm các điều kiện cho năm học mới - Bài cuối: Củng cố đội ngũ giáo viên

Nhằm kịp thời bổ sung giáo viên cho năm học mới trong điều kiện học sinh tăng cao, Thành phố Hồ Chí Minh rốt ráo tuyển dụng hàng ngàn giáo viên các cấp học. Cùng với đó, Thành phố triển khai các giải pháp nâng chất lượng, nâng chuẩn đào tạo cho đội ngũ giáo viên hiện có để đáp ứng yêu cầu dạy học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN