Hà Nội triển khai sách giáo khoa mới - Bài 1: Chú trọng lựa chọn sách, bồi dưỡng giáo viên

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên cả nước sẽ học theo chương trình sách giáo khoa mới.

Chú thích ảnh
Tư vấn, giới thiệu với phụ huynh về sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN

Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, nhà trường đã, đang tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình sách giáo khoa mới, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Bài 1: Chú trọng lựa chọn sách, bồi dưỡng giáo viên

Với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập hiệu quả, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai bài bản, đúng quy trình khâu lựa chọn sách giáo khoa, chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên. 

Lựa chọn sách cẩn thận, đúng quy trình

Theo phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 2/2022, danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, làm căn cứ để các địa phương tổ chức lựa chọn đưa vào giảng dạy từ năm học 2022 - 2023 gồm 43 cuốn sách giáo khoa lớp 3; 40 cuốn sách giáo khoa lớp 7 và 44 cuốn sách giáo khoa lớp 10. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, nhà trường về danh mục sách giáo khoa ở các lớp; xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa và cập nhật những hướng dẫn liên quan; chuẩn bị kế hoạch tập huấn sử dụng sách… 

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 để các chủ biên, tác giả sách và giáo viên có cơ hội trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn về từng cuốn sách… 

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thu Hương, sách giáo khoa mới, bao gồm cả bản in và bản điện tử đã được chuyển tới các tổ chuyên môn để tổ chức cho giáo viên nghiên cứu. Nhà trường thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, bắt đầu bằng việc tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá sách giáo khoa, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học…

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, toàn bộ quy trình, tiêu chí lựa chọn sách đã được quán triệt tới giáo viên, với yêu cầu phát huy ý thức trách nhiệm cao nhất để lựa chọn, đề xuất những cuốn sách phù hợp điều kiện tổ chức dạy học, tạo thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả. 

Xác định giáo viên là lực lượng chủ chốt, có vai trò quan trọng trong việc đề xuất lựa chọn sách, làm căn cứ để hội đồng cấp thành phố quyết định lựa chọn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố thành lập 11 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp Tiểu học, 12 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp Trung học Cơ sở và 15 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp Trung học Phổ thông, trong đó mỗi hội đồng đều có ít nhất 2/3 số lượng thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.

Chú trọng bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới

Chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đang được các quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục của Hà Nội tích cực triển khai, đặc biệt với khối lớp năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác bồi dưỡng phải đảm bảo tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều được tham gia, hoàn thành muộn nhất trước ngày 31/7/2022.

Trong hai ngày 14 và 15/7, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cùng toàn thể giáo viên khối 1, 2, 3 đã tham dự tập huấn môn Tiếng Việt và hoạt động trải nghiệm của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập trung vào mục tiêu cốt lõi và những định hướng trọng tâm giúp giáo viên dạy tốt bộ sách lớp 3 mới. Các tác giả đã hướng dẫn về cấu trúc sách, học liệu bổ trợ của các bộ sách; hướng dẫn sự đổi mới, cách triển khai của phương pháp giảng dạy qua video tiết học minh họa, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực.

Còn tại Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai), các giáo viên đã tham gia tập huấn bộ sách giáo khoa Cánh Diều trong 5 ngày với 10 môn học, gồm: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Công nghệ, Toán, Đạo đức, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Tin học. Mỗi môn học được giới thiệu để các giáo viên nắm bắt cấu trúc, nội dung của chương trình học mới cũng như đưa ra ý kiến thắc mắc và được giải đáp, định hướng trong năm học. Với mục tiêu “Mang cuộc sống vào trong bài học - Đưa bài học vào trong cuộc sống”, giáo viên đã thảo luận nghiêm túc các vấn đề để hiểu sâu sắc về nội dung đổi mới của bộ sách nhằm xây dựng hoạt động dạy học phù hợp, giúp học sinh tiếp thu tốt hơn.

Huyện Ba Vì đã tổ chức bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các cán bộ quản lý, giáo viên khối lớp 3, lớp 7. Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, 240 cán bộ quản lý, giáo viên lớp 3 tham gia bồi dưỡng 2 chuyên đề: Xây dựng kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và dạy học tích hợp và phân hóa môn Toán ở lớp 3 đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cán bộ, giáo viên lớp 7 được bồi dưỡng theo từng môn Ngữ văn, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Toán, Địa lý, Tiếng Anh với các chuyên đề được thiết kế riêng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, trong hai năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở, thực tế còn tồn tại một số khó khăn nhất định nhưng nhìn chung đã phát huy được tính tích cực, điểm mạnh và mục tiêu của Chương trình. Những khó khăn, bất cập cơ bản đã được lãnh đạo Sở, Phòng, nhà trường nắm bắt và đưa ra phương án tháo gỡ kịp thời như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, công tác chuyên môn... để chuẩn bị triển khai Chương trình mới cho khối lớp 3, lớp 7 trong năm học tới. 

Đối với khối lớp 10, việc triển khai sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có phần phức tạp hơn. Các Trường Trung học Phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai, đặc biệt là việc tổ chức, xây dựng các tổ hợp môn học trên tinh thần đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh.

Bài cuối: Đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh lớp 10

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10 cao hơn bộ sách theo chương trình hiện hành
Giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10 cao hơn bộ sách theo chương trình hiện hành

Ngày 27/4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. So với sách của chương trình hiện hành, giá của những bộ sách mới này cao hơn, tuỳ từng lớp học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN