Lai Châu: Huy động học sinh đến trường gắn với phòng, chống dịch COVID-19

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, đa số học sinh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã quay trở lại trường, ổn định tổ chức công tác dạy, học.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh vắng mặt trong tuần học đầu tiên, tập trung ở các khối lớp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới.

Chú thích ảnh
Học sinh, giáo viên các trường trên địa bàn huyện Phong Thổ chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Tại huyện Phong Thổ, từ ngày 10/2/2022, học sinh 3 bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện Phong Thổ chính thức quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp huy động học sinh đến trường gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tung Qua Lìn - một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, 100% cán bộ, giáo viên đã có mặt thực hiện nhiệm vụ nhưng các em học sinh mới chỉ lác đác vài lớp, còn lại vắng mặt.

Cô giáo Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Tung Qua Lìn cho biết: Năm học 2021-2022, nhà trường có 169 học sinh, chủ yếu là dân tộc Mông và Hà Nhì. Để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các giáo viên đến từng gia đình tuyên truyền cho phụ huynh nắm bắt lịch học, động viên con em đến trường. Đồng thời, Trường phối hợp với  các thành viên trong Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xã Tung Qua Lìn thành lập các tổ nhóm hỗ trợ giáo viên trong công tác vận động học sinh đến trường.

Đối với những học sinh theo bố mẹ lên nương, các giáo viên tiếp cận từng lán nương để động viên các em quay trở lại học. Trong các hoạt động, nhà trường tổ chức thêm các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi phấn khởi thu hút các em. Với cách làm phù hợp, tỷ lệ học sinh đến lớp tăng dần qua các ngày. Hiện nay, khối tiểu học đạt trên 90%, khối Trung học Cơ sở đạt gần 90%.

Chị Sùng Thị Sua người dân bản Hờ Mèo, xã Tung Qua Lìn chia sẻ, gia đình có hai con học lớp 6 và lớp 7. Trong ngày học đầu tiên, hai con còn nghỉ học chơi Tết. Khi được các thầy cô giáo đến nhà thông báo, động viên, các con tôi đi học đầy đủ, khi về nhà cũng làm bài theo đúng hướng dẫn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, năm học 2021-2022, toàn huyện có 48 trường với tổng số 23.186 học sinh. Trong học kỳ I vừa qua, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được các trường thực hiện hiệu quả. Bước sang học kỳ II, toàn ngành duy trì tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng vùng miền. Đặc biệt là ngay sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành cố gắng huy động học sinh đến trường ngay từ những ngày đầu để đạt chất lượng cao nhất.

Ông Khổng Văn Thiện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết: Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số cao. Theo phong tục, thời gian đón Tết của bà con thường kéo dài và sau Tết cũng là thời điểm mùa vụ, một số học sinh theo bố mẹ lên nương rẫy làm việc. Rút kinh nghiệm năm trước còn nhiều học sinh chưa quay trở lại trường học theo thời gian quy định, năm nay, Phòng Giáo dục huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện, cũng như chỉ đạo các trường tham mưu cho các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động học sinh đến trường.

Nhờ đó, trong những ngày đầu tiên đi học trở lại, tỷ lệ học sinh đến lớp bậc Trung học Cơ sở đạt 73%, bậc Tiểu học đạt 78%, bậc Mầm non 67%. Một số trường tỷ lệ học sinh đến lớp đạt cao như: Trường Trung học Cơ sở Mường So đạt 98%, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Ma Li Pho đạt 89,6%, Trường Tiểu học Khổng Lào 91,5%, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở số 2 Bản Lang đạt 98,1%.

Cùng với việc huy động học sinh ra lớp, các trường trên địa bàn huyện Phong Thổ nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung còn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc tuyên truyền đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Bộ, của tỉnh. Trước khi nghỉ Tết, các nhà trường đã yêu cầu giáo viên, nhân viên cam kết tuân tủ công tác phòng, chống dịch, khuyến cáo lên sớm từ 3-5 ngày. Trước khi trở lại giảng dạy, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải test COVID-19, sau 7 ngày test lần thứ 2, phòng ngừa dịch lây lan trong cộng đồng nhất là các em học sinh bậc Mầm non, Tiểu học chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Cùng đó, công tác rà soát, nắm bắt các F được cập nhật thường xuyên, áp dụng điều trị, cách ly theo quy định. Việc truyền thông, nhắc nhở cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đến trường được đẩy mạnh.

Thầy giáo Mai Văn Tường, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở thị trấn Phong Thổ khẳng định: Song song với việc vận động học sinh đến trường đạt trên 89%, Nhà trường còn áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như: Yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi trên lớp; chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn, bồn rửa tay, máy đo thân nhiệt để khi học sinh đến trường kiểm tra thân nhiệt đầu giờ. Khi nhận được thông tin có hai học sinh là F0, Nhà trường đã nhanh chóng truy vết các trường hợp F1, F2, F3. Đồng thời, cho giáo viên, học sinh liên quan nghỉ học, áp dụng điều trị, cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định và có phương án tổ chức dạy học bù sau khi đủ thời gian cách ly, có kết quả âm tính, đảm bảo việc dạy và học của Nhà trường duy trì tốt.  

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, đến nay, số học sinh ra lớp đạt trên 91%. Hầu hết học sinh ra lớp muộn, tập trung tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Trong số học sinh vắng mặt hiện nay có 6% học sinh nghỉ do cách ly và xét nghiệm y tế, 2,8% học sinh nghỉ do ốm và gia đình có việc riêng. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch COVID-19, một phần đang vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp nhiều học sinh cấp 2, 3 ở nhà phụ giúp gia đình nên nghỉ học mấy ngày đầu. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán của một số đồng bào dân tộc là qua rằm tháng Giêng mới cho con ra khỏi nhà.

Để bảo đảm việc học tập trở lại bình thường, duy trì số học sinh cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, thành phố, trường học trên địa bàn kiểm tra nắm tình hình đến lớp của học sinh, đặc biệt ở các huyện vùng cao; đồng thời yêu cầu các trường rà soát, lập danh sách những học sinh chưa ra lớp để bố trí, huy động thầy cô giáo phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động các em đến trường theo lịch học, nhằm đảm bảo chất lượng học tập.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
Kiên Giang: Đề nghị tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
Kiên Giang: Đề nghị tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho học sinh

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, sau hai tuần tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp (từ ngày 7/2), tình hình dịch COVID-19 trong trường học trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN