Miễn, giảm học phí ở các cấp học phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội

Một số địa phương đang có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh. Chính sách này đã góp phần tạo điều kiện cho giáo dục phát triển, hỗ trợ được cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính (Bộ GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Đã có lộ trình miễn, giảm học phí ở các cấp học, nhưng tùy điều kiện của từng địa phương. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/CP quy định hai đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù. Việc triển khai Nghị định này ở các cơ sở giáo dục đã nhận được tín hiệu tích cực như thế nào? Bộ GD&ĐT có kiểm tra việc thực hiện này trong hai năm qua không, thưa ông?

Học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù, không chỉ được quy định là các đối tượng không phải đóng học phí theo Nghị định số 81/CP có hiệu lực, mà đã được miễn học phí từ các năm trước đó, khi Chính phủ ban hành các Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 (được thay thế bởi Nghị định số 81/CP).

Việc thực hiện Nghị định 81/CP thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương. Hàng năm, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT và báo cáo tổng kết năm học của các địa phương, chính sách này đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời. Bộ GD&ĐT đã thanh tra, kiểm tra về tình hình thực hiện chính sách pháp luật giáo dục đào tạo tại địa phương theo phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ. 

Sau dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã dùng ngân sách địa phương để miễn, giảm học phí cho học sinh, có một số tỉnh nghèo cũng thực hiện. Nên chăng, Chính phủ xem xét việc miễn học phí thống nhất trong cả nước từ cấp tiểu học đến THPT và giảm học phí đối với bậc đại học, thưa ông?

Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 81/CP quy định: “Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai”.  

Để khắc phục khó khăn cho các gia đình, học sinh, sinh viên trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều địa phương ban hành các chính sách đặc thù về miễn, giảm học phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Về quy định chung, Nghị định 81CP quy định cụ thể, thống nhất về đối tượng được miễn học phí và đối tượng được giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí, gồm 17 đối tượng quy định tại Điều 15 của Nghị định: Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật; trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học…

Điều 17 cũng quy định lộ trình miễn học phí: Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026. Các đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí được quy định cụ thể thành ba nhóm tại Điều 16 của Nghị định gồm: Các đối tượng được giảm 70% học phí; các đối tượng được giảm 50% học phí; đối tượng được hỗ trợ tiền đóng học phí.

Tại Điều 18 Nghị định 81/CP quy định các đối tượng được hỗ trợ học phí học tập từ trẻ em học mẫu giáo đến học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên.

Nghị định cũng quy định về lộ trình học phí đối với giáo dục đại học, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quy định về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản, trong đó có lĩnh vực giáo dục theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống, Bộ GD&ĐT đã thực hiện những giải pháp gì liên quan đến các chính sách, đề xuất với Chính phủ ra sao, thưa ông?

Học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định trong ba năm học vừa qua (từ năm học 2020 - 2023) để chia sẻ khó khăn với gia đình học sinh, sinh viên; góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.

Đối với học phí năm học 2023 - 2024: Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 7/5/2023 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/CP theo hướng: Giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp công lập từ năm học 2023 - 2024 so với năm học 2021 - 2022; đối với học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, lùi lộ trình học phí một năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định 81/CP đối với cơ sở giáo dục đại học công lập.  

Dự thảo Nghị định đã được Bộ GD&ĐT tiếp thu, giải trình, hoàn thiện theo ý kiến các thành viên Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung được Chính phủ ban hành sẽ được triển khai đến các bộ, địa phương, cơ sở giáo dục để thực hiện.

Thực tế hiện nay, việc miễn, giảm học phí dường như vẫn còn dè dặt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đối với bậc học THCS: Nghị định số 81/CP đã quy định lộ trình miễn học phí, cụ thể: Học sinh THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023; toàn bộ học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.

Đối với bậc học THPT: Do điều kiện Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, hiện nay chính sách của Nhà nước ưu tiên nguồn lực để thực hiện miễn học phí theo lộ trình đối với các cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Trường hợp học sinh THPT thuộc đối tượng chính sách (dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,…) thì được miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định 81/CP.

Đối với chính sách miễn học phí cho toàn bộ bậc học THPT: Bộ GD&ĐT với chức năng được giao quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền chính sách miễn học phí bậc học THPT vào thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối của Ngân sách Nhà nước.    

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến

Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chia sẻ về chính sách miễn, giảm học phí ở các cấp học: 

Việc miễn học phí cho học sinh không có nghĩa học sinh đi học là đóng tiền hay không phải đóng tiền. Thực tế, phần chi dành cho giáo dục vẫn phải chi đủ, thậm chí năm sau cao hơn năm trước. Chính phủ phấn đấu là chi cho giáo dục đạt 20% ngân sách. Như vậy, nếu nguồn thu cho giáo dục bị hụt, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra để bù vào. Vì thế không thể nói miễn học phí là miễn. Theo lộ trình, các địa phương cần tính toán thực hiện đồng nhất, tránh trường hợp có sự so sánh là con em học địa phương này thì được miễn học phí, địa phương khác thì không được miễn.

Lê Vân/Báo Tin tức
Gỡ gánh nặng học phí
Gỡ gánh nặng học phí

Trong 3 năm qua, giữa những khó khăn của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021 đầy tính nhân văn quy định hai đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù, nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí. Cùng với đó là chính sách của các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN