Năm học 2022-2023: Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Ngày 5/9, trên 200.000 học sinh và hơn 20.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của hơn 670 trường học trong tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2021 0 2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn cho Trường Trung học cơ sở Thị trấn Đồng Đăng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu tại Lễ khai giảng của Trường Trung học Cơ sở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, năm học 2022-2023, thầy và trò nhà trường hăng hái thi đua, triển khai chủ đề năm học “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục - đào tạo, thu hút nhân tài, học gắn với hành; linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động thực hiện quản lý và dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Trong ngày 5/9, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập 18 đoàn công tác gồm lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đến dự Lễ khai giảng tại các trường. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn cho biết, Chương trình khai giảng gồm phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm, đầy đủ nội dung, tiết kiệm; các trường lựa chọn khoảng 3 - 5 tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới vui tươi, phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức khai giảng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; không sử dụng pháo điện, pháo giấy, thả bóng bay…

Tại lễ khai giảng, các trường học tổ chức đón học sinh đầu cấp, đọc thư của Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và các em học sinh; trao phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thù riêng của từng cấp học, ngành học, các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

* Sáng 5/9, gần 230 nghìn học sinh trên toàn tỉnh Yên Bái hân hoan dự lễ khai giảng

Phát biểu tại lễ khai giảng của Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong năm học vừa qua, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để giúp các em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, mỗi lớp học đều là lớp học hạnh phúc, nhà trường thực sự là trường học hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục đổi mới sáng tạo, công hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, các em học sinh nỗ lực hết mình học tập, rèn luyện, tu dưỡng...

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh trống khai giảng năm học mới 2022 - 2023 tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN

Trước thềm năm học mới, toàn tỉnh Yên Bái hoàn thành và đưa vào sử dụng 214 phòng học mới, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 86%, đảm bảo mọi điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Toàn ngành đã tuyển dụng 529 giáo viên và biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh từ các địa phương cho 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh chủ đề năm học mới là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện". Do vậy, toàn ngành Giáo dục cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023; thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện, thiết thực xây dựng "Trường học hạnh phúc”, với nhiều "lớp học hạnh phúc”.

Yên Bái tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các nghị quyết, chính sách của tỉnh về đổi mới căn bản và phát triển toàn diện, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi đắp lòng yêu nghề cho đội ngũ giáo viên. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo đội ngũ giáo viên, học sinh ở những huyện vùng cao, còn nhiều khó khăn.

Để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học trong năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng cho biết, toàn ngành tiếp tục triển khai kế hoạch giáo dục chủ động, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với tình hình thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất trang thiết bị, trọng tâm là chuyển đổi số trong dạy và học; đặc biệt quan tâm đến điều kiện học tập, ăn ở nuôi dưỡng học sinh; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho giáo viên, học sinh; nâng cao chất lượng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; thu hút và xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Anh Tuấn - Tiến Khánh (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh
Thừa Thiên - Huế tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Nhằm đảm bảo cho năm học 2022 - 2023 đạt chất lượng và hiệu quả, ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; sẵn sàng các phương án nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN