Những ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới

Năm 2023, nhiều ngành học mới được các trường đại học mở ra nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Theo đại diện nhiều trường đại học, việc mở ngành học mới đều căn cứ các bên liên quan cũng như sự thay đổi của xã hội.

Video đại diện các trường đại học nói về việc mở ngành học mới năm 2023:

Đáp ứng xu thế phát triển

Điểm mới trong tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương năm 2023 là trường mở thêm ngành học mới.  

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, năm 2023 trường mở thêm ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở Hà Nội.

“Ngành kinh tế chính trị khi nghe thì có vẻ truyền thông nhưng theo điều tra của Trường Đại học Ngoại thương về nhu cầu xã hội và phương thức xã hội sẽ thay đổi trong những năm tới cho thấy: Việt Nam trong những năm tới sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tham gia vào những hoạt động chính trị kinh tế toàn cầu. Cử nhân của ngành học này sẽ là cung cấp nhân sự cấp Trung ương, địa phương có tố chất đòi hỏi nhu cầu cao trong bối cảnh mới”, PGS. TS Vũ Thị Hiền cho biết.  

Còn theo TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, trong 3, 4 năm gần đây Trường Đại học Hà Nội mở những ngành học mới đáp ứng nhu cầu khá cao của thị trường lao động như: ngành Marketing có Marketing kỹ thuật số, ngành Truyền thông đa phương tiện, ngành Nghiên cứu phát triển dành cho người làm hợp tác quốc tế.  

Năm 2023, Trường Đại học Thuỷ lợi mở thêm 2 ngành mới là Luật kinh tế và Ngôn ngữ Trung. Đối với các ngành mở mới nhà trường sẽ chỉ tuyển từ 50 đến 60 chỉ tiêu cho một ngành.

TS. Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết: “Căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu xã hội, đặc biệt trước bối cảnh phát triển kinh tế, hiện nay các doanh doanh nghiệp và đối tượng tham gia hoạt động ngành kinh tế cần có sự hiểu biết về pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân doanh nghiệp. Nhân lực tiếng Trung rất cần thiết bởi Việt Nam là hàng xóm thì cần hiểu sâu về ngôn ngữ. Mặt khác, những đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng lớn thì càng cần có nhân lực để đáp ứng”.

Trường Đại học Phenikaa mở thêm 5 ngành/chương trình đào tạo mới gồm: Kỹ thuật phần mềm, Răng - Hàm - Mặt, Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.  

Theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Pheniakaa, trong đề án mở ngành mới của trường chúng tôi đều khảo sát các bên liên quan, đặc biệt là nhu cầu vị trí việc làm trong thực tế. Có những ngành hot như Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, nha khoa. Nhưng cũng có một số ngành nằm trong chiến lược phát triển của nhà trường như: Đông phương học, Việt Nam học.

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, các trường đại học đều ưu tiên nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số như: Robot và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Marketing số Công nghệ tài chính; Marketing công nghệ; Kinh doanh số; Công nghệ logistics… Lý giải việc mở thêm ngành học mới, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại đó là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành này đang trở nên ngày càng cấp thiết.

Nên căn cứ nhiều yếu tố để chọn ngành  

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở ngành đào tạo mới rất chặt chẽ, trong đó, việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo trình… theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau. Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của trường. Vì thế, việc thí sinh lựa chọn ngành học nào cần căn cứ trên nhiều yếu tố.

"Khi một ngành đào tạo mới được mở ra thì các trường đều đã có sự nghiên cứu về nhu cầu của ngành đó. Việc lựa chọn một ngành nghề đào tạo mới mở ra hay đã mở từ những năm trước không phải là yếu tố quyết định, mà chúng ta cần phải có sự hiểu sâu, có sự định hướng căn cứ vào năng lực sở trường của mình, vào sở thích và thậm chí có khi cả vào điều kiện gia đình. Do đó việc nghiên cứu về xu hướng dự báo là rất quan trọng, nhưng đồng thời như tôi đã khẳng định các em đã lựa chọn một ngành nghề đó thì cái quan trọng nhất là chúng ta có học giỏi được lĩnh vực đó hay không", PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nói.

Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, 4 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật và nhóm ngành Nhân văn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế lựa chọn ngành nghề này của thí sinh cũng sẽ không thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc trước những dịch chuyển của xã hội trong những năm tới và đặc biệt là cơ hội việc làm. 

Lê Vân - Lê Phú/Báo Tin tức
Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành học mới
Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu, mở ngành học mới

GS.Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chia sẻ với báo chí về những điểm mới trong tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN